Thiết giáp hạm USS Missouri sau khi nâng cấp
Đầu thập niên 1980, chính quyền Tổng thống Mỹ Ronald Reagan lên kế hoạch tái biên chế các thiết giáp hạm lớp Iowa từ Thế chiến II, hoán cải chúng thành các chiến hạm sở hữu tính năng của tàu sân bay để đối phó với tuần dương hạm hạt nhân lớp Kirov của Liên Xô, theo National Interest.
Kế hoạch này bắt đầu vào năm 1982 với việc tân trang 4 tàu gồm USS Iowa, USS Missouri, USS New Jersey và USS Wisconsin. Vũ khí chính của chúng là 9 pháo cỡ nòng 406 mm và nhiều pháo 127 mm. Phần đuôi tàu được tháo dỡ 3 tháp pháo 127 mm và 3 pháo 406 mm để bố trí một khoang chứa thang vận chuyển máy bay, cho phép đưa các tiêm kích hạm Boeing AV-8B Harrier II từ nhà chứa bên dưới đến khu vực cất cánh. Mỗi thiết giáp hạm lai tàu sân bay này sẽ mang tới 12 tiêm kích Harrier.
Ngoài ra, các tháp pháo 127 mm hiện có sẽ được thay thế bằng lựu pháo 155 mm để yểm trợ hỏa lực. Khoảng trống giữa khoang chữ V sẽ được bố trí 320 ống phóng thẳng đứng Mk. 41 để bắn tên lửa tấn công mặt đất Tomahawk, rocket chống ngầm ASROC và tên lửa phòng không Standard, tương đương hỏa lực của các tàu ngầm lớp Ohio ngày nay.
Hải quân Mỹ gọi chiến hạm cải hoán này là tàu tấn công đánh chặn (IAS), đủ sức ngăn chặn hạm đội đối phương trên vùng biển sâu, đặc biệt là các tàu tuần dương hạt nhân lớp Kirov của hải quân Liên Xô khi đó. Hải quân Mỹ rất lo ngại các tàu lớp Kirov bởi chúng được trang bị tên lửa tầm xa P-700 Granit, có khả năng tấn công và hủy diệt các biên đội tàu sân bay Mỹ.
Tàu IAS có nhiệm vụ bám theo tàu Kirov, sử dụng pháo 406 mm và tên lửa Harpoon để tấn công. Các tiêm kích Harrier có thể triển khai để cùng tham chiến. Đây được coi là giải pháp hiệu quả về mặt kinh tế, giúp nhóm tàu sân bay tập trung vào nhiệm vụ được giao.
Một nhiệm vụ khác của IAS là hỗ trợ thủy quân lục chiến Mỹ thực hiện các nhiệm vụ đổ bộ. Cụm 6 pháo 406 mm cùng lựu pháo 155 mm mới có thể oanh tạc các mục tiêu lớn trên bộ trước cuộc tấn công, giúp hình thành một lực lượng tấn công cơ động nhằm vào các cứ điểm của đối phương.
Trong chiến thuật này, IAS sẽ đảm nhận một khu vực mục tiêu tấn công đường không. Khoang máy bay sẽ được mở rộng để chứa trực thăng. Nhà chứa máy bay được cho là có thể chứa đến 500 lính thủy quân lục chiến. Khi tham chiến, các trực thăng sẽ cất cánh với tiêm kích hạm Harrier trên tàu IAS để yểm trợ hỏa lực.
Dù được thảo luận nhiều lần, việc triển khai IAS bị trì hoãn ít nhất hai lần. Bộ Quốc phòng và hải quân Mỹ muốn việc tái biên chế thiết giáp hạm phải diễn ra thật nhanh. Kết quả là thiết giáp hạm lớp Iowa chỉ được nâng cấp ở mức tối thiểu, gồm lắp đặt tên lửa Harpoon và Tomahawk, hệ thống kiểm soát hỏa lực, pháo tầm gần Phalanx và máy bay không người lái RQ-2 Pioneer.
Việc tích hợp khoang máy bay và hầm phóng tên lửa tiếp tục được đề xuất vào cuối thập niên 1980 nhưng bị hủy vì nhiều lý do, chủ yếu do chi phí quá cao và Chiến tranh Lạnh dần đi vào giai đoạn kết thúc. Đến năm 1992, cả 4 thiết giáp hạm cải hoán này đều bị loại biên.
Hải quân Mỹ sau đó nhận ra IAS không còn phù hợp với các chiến dịch quân sự của Mỹ. Trong các chiến dịch ở Vịnh Persia, Grenada, ngoài khơi Lebanon và khu vực Trung Mỹ, tàu IAS hoàn toàn không được sử dụng đến bởi một tàu đổ bộ có thể đảm nhận mọi nhiệm vụ cần thiết.
Tàu IAS chỉ thực sự hữu dụng trong các cuộc chiến lớn, như đuổi theo tàu tuần dương lớp Kirov và các chiến hạm mặt nước hạng nặng của Liên Xô, hỗ trợ thủy quân lục chiến Mỹ ở Na Uy và gia nhập hạm đội tàu sân bay để tấn công các căn cứ Liên Xô ở Bắc Cực.
Khi đó, 320 ống phóng tên lửa sẽ được triển khai. Khả năng tấn công các mục tiêu trên bộ, đặc biệt là các hệ thống phòng không Liên Xô của pháo 406 mm và tên lửa Tomahawk sẽ giúp các tàu sân bay và phi công Mỹ tập trung vào các nhiệm vụ trên đất liền.
Ngày nay, cả 4 thiết giáp hạm lớp Iowa được bố trí khắp trên nước Mỹ với vai trò tàu bảo tàng nổi.
Duy Sơn