Thiết bị hạ tầng cho mạng 4G (trạm thu phát vô tuyến 4G macro) của Việt Nam có tính năng như của các nhà sản xuất khác trên thế giới. Trong quý I/2017, tập đoàn này thử nghiệm mạng lõi 4G (EPC) và thiết bị truyền dẫn Site Router, từ năm 2018 sẽ thay thế thiết bị mạng lõi nhập ngoại bằng sản phẩm do họ sản xuất và đến năm 2020, 70% hạ tầng viễn thông của Viettel là tự nghiên cứu, thiết kế, sản xuất thay vì phải mua của các nhà cung cấp khác như ở giai đoạn công nghệ 2G và 3G.
Thiết bị mạng viễn thông là lĩnh vực sản xuất mà hiện trên thế giới chỉ còn 5 nhà cung cấp là Huawei, Ericsson, Samsung, Nokia và Alcatel-Lucent. Hai năm qua, Huawei nổi lên vào trở thành công ty lớn nhất trên thị trường này dù trước đó Ericsson là thương hiệu số một. Các nhà cung cấp nổi danh một thời như Nokia, Acatel-Lucent hiện thu hẹp hoạt động và kém sức cạnh tranh, đặc biệt là về quy mô trong lĩnh vực nghiên cứu sản xuất thiết bị viễn thông 4G.
Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Trương Minh Tuấn kỳ vọng trong tương lai Viettel phải trở thành tổ hợp nghiên cứu, sản xuất thiết bị quân sự, công nghiệp quốc phòng và tự chủ được phần lớn thiết bị hạ tầng viễn thông - vấn đề cốt lõi bảo đảm an ninh mạng viễn thông Việt Nam.
Mạng di động 4G được ba nhà mạng lớn tại Việt Nam gấp rút chuẩn bị, thử nghiệm từ cuối năm ngoái. Mobifone hiện có vùng phủ sóng thử nghiệm rộng nhất tại 3 thành phố lớn là TP HCM, Hà Nội và Đà Nẵng. Trong khi đó, VinaPhone lại là nhà mạng đầu tiên được cấp phép chính thức và triển khai 4G. Tuy nhiên, đơn vị này mới chỉ cung cấp ở Phú Quốc. Viettel sẽ chính thức cung cấp 4G trên toàn quốc vào quý I/2017 trên băng tần 1800 MHz với vùng phủ sóng rộng như 2G và số lượng trạm thu phát sóng là 35.000 trạm.