Trung tâm Nghiên cứu Vật thể gần Trái Đất (CNEOS) ở Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực tại Pasadena, California, Mỹ, dự đoán thiên thạch 2020 SW sẽ không va chạm với Trái Đất. Nhưng thiên thạch này sẽ bay qua rất gần hành tinh của chúng ta, ở khoảng cách 16.700 km, theo Dự án Kính viễn vọng ảo.
So với 2020 SW, Mặt Trăng bay cách Trái Đất trung bình là 384.000 km, gấp 30 lần đường kính hành tinh. Khoảng cách giữa 2020 SW và Trái Đất lớn gấp 2,1 lần đường kính hành tinh, có nghĩa nó sẽ bay qua gần hơn các vệ tinh thời tiết quay quanh quỹ đạo cách mặt đất 35.888 km.
Các nhà khoa học vẫn chưa thể tính chính xác kích thước thiên thạch, nhưng nó không quá lớn, chỉ dài khoảng 4,4 - 9,9 m, theo CNEOS. Thiên thạch này mới được phát hiện hôm 18/9 bởi tổ chức khảo sát thiên văn Mount Lemmon Survey ở Arizona, và công bố vào ngày hôm sau bởi Minor Planet Center, cơ sở chuyên theo dõi hành tinh nhỏ, sao chổi và vệ tinh tự nhiên.
Việc bay qua Trái Đất cũng tác động tới 2020 SW. Do kích thước nhỏ, lực hấp dẫn của Trái Đất sẽ làm thay đổi đường bay của thiên thạch khi nó tới gần hành tinh vào 18h18 ngày 24/5 theo giờ Hà Nội ở tốc độ 27.720 km/h hay 7,7 km/s. Sau đó, phải tới ngày 3/6/2029, 2020 SW mới lại bay qua Trái Đất. 2020 SW sẽ sáng hơn khi ở gần Trái Đất, nhưng không thể quan sát bằng mắt thường.
An Khang (Theo Live Science)