Thiên thạch mang tên 2020 JJ bay sượt qua Trái Đất ở khoảng cách 13.373 km, tương đương 3% quãng đường từ Trái Đất đến Mặt Trăng. 2020 JJ có kích thước tương đối nhỏ xét về mặt thiên văn và không bị các kính viễn vọng phát hiện cho tới khi bay tới ngay phía trên Trái Đất. Tổ chức khảo sát thiên văn Lemmon Survey ở Arizona, Mỹ, là nhóm đầu tiên phát hiện thiên thạch này.
"Chúng ta rất giỏi tìm kiếm và theo dõi thiên thạch lớn cỡ một kilomet trở lên, nhưng có nhiều thiên thạch nhỏ hơn quay quanh hệ Mặt Trời rất khó quan sát cho tới khi bay đến gần Trái Đất hơn. Thiên thạch cũng thường có màu sắc tối và phản chiếu ít ánh sáng nên càng khó nhìn thấy từ Trái Đất", tiến sĩ Natalie Starkey, nhà văn khoa học vũ trụ, giải thích.
Thiên thạch 2020 JJ bay gần Trái Đất thứ 6 từ khi giới thiên văn bắt đầu thu thập dữ liệu năm 1900. 10 thiên thạch tới gần hành tinh của chúng ta. Cả 10 sự kiện thiên thạch bay gần nhất đều xảy ra sau năm 2004. 2020 JJ di chuyển xuyên qua hệ Mặt Trời ở tốc độ khoảng 51.500 km/h. Tuy nhiên, khoảng cách giữa nó và Trái Đất vẫn xa hơn 20 lần so với Trạm Vũ trụ Quốc tế, do đó, 2020 JJ không gây nguy hiểm.
NASA ước tính thiên thạch này có đường kính khoảng 2,7 - 6 m. So với nó, thiên thạch 1998 OR2 bay qua Trái Đất hôm 29/4 dài tới 1,8 - 4 km. Dù được NASA xếp vào nhóm "có thể gây nguy hiểm" vì kích thước lớn, 1998 OR2 bay cách chúng ta 6,3 triệu km, gấp 16 lần quãng đường giữa Trái Đất và Mặt Trăng.
An Khang (Theo RT)