Theo dự kiến, thiên thạch mang tên 2003 AF23 sẽ đến gần hành tinh của chúng ta vào 2h22 ngày 4/1 theo giờ Hà Nội. Vật thể này có đường kính 390 m, theo bảng dữ liệu của CNEOS. Với kích thước này, 2003 AF23 lớn hơn nhiều so với tòa Empire State cao 381 m ở New York. Nó cũng to hơn công trình cao nhất ở Paris là tháp Eiffel cao 323 m khi tính cả cột cờ.
2003 AF23 sẽ không đâm vào Trái Đất do khoảng cách gần nhất giữa thiên thạch này và bề mặt hành tinh là 6,9 triệu km. Hiện nay, nó đang bay trong vũ trụ ở tốc độ trung bình 54.000 km/h. 2003 AF23 được xếp vào nhóm tiểu hành tinh Aten, theo Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực của NASA. Các thiên thạch trong nhóm này có quỹ đạo cắt ngang qua Trái Đất. Tuy nhiên, 2003 AF23 không nằm trong danh mục nguy cơ cao của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA), có nghĩa nó không gây nguy hiểm cho Trái Đất.
Không lâu sau khi 2003 AF23 bay qua, một thiên thạch khác nhỏ hơn nhiều sẽ bay qua. Thiên thạch 2019 QW2 có đường kính 65 m, cao hơn tháp nghiêng Pisa ở Italy. Hiện nay, nó đang di chuyển ở tốc độ 17.700 km/h và sẽ tới cách Trái Đất 3,2 triệu km ở điểm gần nhất.
Theo CNEOS, những vật thể bay gần Trái Đất là thiên thạch và sao chổi chịu ảnh hưởng từ lực hấp dẫn của các hành tinh gần đó, khiến chúng bay về phía Trái Đất. Với cấu tạo chủ yếu từ nước băng trộn lẫn hạt bụi, phần lớn sao chổi có nguồn gốc từ hệ sao lạnh khác trong khi thiên thạch thường đến từ bên trong hệ Mặt Trời, ở khu vực nằm giữa quỹ đạo sao Hỏa và sao Mộc.
An Khang (Theo IB Times)