Hay tin sư ông làng Mai viên tịch tại Huế ngày 22/1, nhiều người trích những trang viết trong các tác phẩm của thiền sư để tiễn biệt ông. Trên VnExpress, độc giả Nguyễn Trọng Thắng làm thơ, ghép từ tên các tác phẩm tiêu biểu của thiền sư.
"Đường xưa mây trắng vẫn bay
Dấu chân an lạc chắp tay nguyện cầu
Am mây ngủ đến mai sau
Trần gian thả một bè lau giúp đời
Phù sinh dòng nước nổi trôi
Nẻo về của ý, tình người của sen
Làng Mai tu vẹn Phật duyên
Trái tim của Bụt, vi thiền muôn năm"
Sinh thời, ngoài sức ảnh hưởng qua sự nghiệp tu hành, thiền sư ghi dấu ấn với độc giả qua hơn 100 đầu sách, trong đó có 40 cuốn được viết bằng tiếng Anh, trải dài nhiều lĩnh vực, từ tôn giáo, tu học, thiền, nghệ thuật sống, quản trị... cho đến sách thiếu nhi.
Thích Nhất Hạnh từng giảng dạy ở đại học Vạn Hạnh - đại học do chính thầy thành lập tại Sài Gòn. Ông cũng từng giảng về lịch sử Phật giáo Việt Nam tại Đại học Paris, Pháp. Lấy giáo dục và đào luyện con người làm gốc, ông xem viết sách là cách trao truyền tâm, ý, kiến thức.
Bằng vốn kiến thức uyên thâm của một thiền sư, nhà văn, nhà thơ, nhà khảo cứu và hoạt động xã hội, Thích Nhất Hạnh cho thấy sức ảnh hưởng của ông với cộng đồng tu tập, thiền hành trên thế giới. Viết sách là cách thiền sư trải lòng, đến gần hơn với cuộc đời và con người. Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc công ty Thái Hà Books - đơn vị từng xuất bản nhiều sách của sư ông, thành tựu lớn nhất của thầy Thích Nhất Hạnh khi viết sách là mang đạo vào đời, ứng dụng những triết lý nhà Phật vào công việc, cuộc sống của mỗi người.
Trong nhiều tác phẩm tôn giáo, Thích Nhất Hạnh lý giải nguồn gốc Phật giáo một cách gần gũi. Những năm 1960, nhiều sách của ông, do nhà xuất bản Lá Bối ấn hành, bán rất chạy như: Đạo Phật đi vào cuộc đời, Đạo Phật hiện đại hóa, Đạo Phật Ngày nay, Đạo Phật ngày mai, Đạo Bụt trong mạch sống dân tộc, Việt Nam Phật giáo sử luận (tập một)... Các tác phẩm có văn phong giản dị, dễ hiểu, nhiều ví dụ thực tế, mang lại kết quả cho những ai thực tập hàng ngày.
Cuốn nổi tiếng của ông - Đường xưa mây trắng - gồm 81 chương, kể chuyện đời Phật Thích Ca qua con mắt của chú bé chăn trâu Svasti, sau xuất gia, trở thành một vị đệ tử của Phật. Trong sách, Phật được gọi là Bụt - theo cách thân thương, đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Tác phẩm ca ngợi lòng ngưỡng mộ của chúng sinh với lối sống gương mẫu, cao cả của Bụt.
Đường xưa mây trắng được dịch từ tiếng Anh sang hơn 20 ngôn ngữ, trong đó có tiếng Hindu. Tờ báo chuyên điểm sách Library Journal nhận xét: "Tác giả viết cuốn sách bằng trái tim. Với các nguồn tài liệu quan trọng (tiếng Phạn, tiếng Hán), và với văn phong mới mẻ đầy chất thơ, cuốn sách kể về cuộc đời Đức Phật, làm say mê mọi tầng lớp độc giả".
Việt Nam Phật giáo sử luận là công trình chứa đựng nhiều trí tuệ và tâm huyết của thiền sư (bút danh Nguyễn Lang). Hơn 47 năm qua, kể từ khi tập một được xuất bản tại Sài Gòn vào đầu thập niên 1970, bộ sách trở thành pho tư liệu cho những độc giả phổ thông lẫn những nhà nghiên cứu muốn tìm hiểu văn hóa, lịch sử Phật giáo Việt Nam.
Khi trình bày về những dữ kiện, nhân vật trong và ngoài Phật giáo, tác giả có nhiều phân tích, bình luận, đánh giá quá trình diễn biến lịch sử, giúp người đọc có cái nhìn bao quát về lịch sử Phật giáo Việt Nam suốt gần hai nghìn năm. Lời giới thiệu sách trong ấn bản do Lá Bối ấn hành năm 1973 có đoạn: "Đã có biết bao nhiêu bài báo, trong Nam cũng như ngoài Bắc, viết về văn học Lý, Trần trong hai mươi năm qua. Nhưng vì thiếu một căn bản về Phật học nên nhiều bài trong số đó đã đưa ra những nhận định sai lạc về nền văn học Lý, Trần. Chính về phương diện này mà chúng tôi nghĩ rằng sách của ông Nguyễn Lang sẽ có công nhiều cho việc nghiên cứu văn học và tư tưởng Việt Nam".
Với dòng sách nghệ thuật sống, sư ông chỉ cho mọi người cách tìm hạnh phúc tự thân, từ đó lan tỏa niềm vui đến mọi người, xã hội. Cuốn sách tiêu biểu của thầy - Muốn an được an - được viết bằng tiếng Anh với tên gọi Being Peace, xuất bản lần đầu năm 1987, tới nay được đánh giá là một tác phẩm mẫu mực của văn học tôn giáo đương đại. Sách được sư cô Chân Hội Nghiêm chuyển sang tiếng Việt trong lần phát hành đầu tiên tại Việt Nam.
Trong tác phẩm, thầy chỉ ra con người có được an hay không nằm ở bản thân, đồng thời dẫn giải các sự việc, xã hội được giải quyết từ tâm thế bình an của mỗi cá nhân. Thiền tập trong đời sống hàng ngày là giải pháp giúp mọi người tịnh tâm, có thể bắt đầu từ những việc đơn giản như đếm hơi thở, dành thời gian ngắn trong ngày để theo dõi hơi thở, hoặc ý thức "trong ta có Bụt".
Cuốn Giận nói về cách chuyển hóa sân hận thành năng lượng tích cực. Qua tác phẩm, thiền sư giải thích cho người đọc cách vượt qua những cảm xúc tiêu cực, đồng thời lý giải cảm xúc tiêu cực lẫn tích cực của cơn giận. Theo ông, khi con người khi ôm sự tức giận, thù hằn, họ tự làm khổ chính mình. Thiền sư không khuyên giải sáo rỗng mà dùng nhiều hình ảnh ẩn dụ sinh động. Ông ví sân hận như một "vị khách" được tiếp đón ở phòng khách, hưởng sự đối xử thân thiện, từ bi. Sách xuất bản ở Mỹ ngày 10/9/2001, từng ra mắt ở nhiều quốc gia. Ở Việt Nam, sách đã tái bản 14 lần.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh đề cao tình cảm giữa người với người, đặc biệt là tình mẫu tử, gia đình. Ông lý giải nhiều câu hỏi về các mối quan hệ trong gia đình, giữa vợ với chồng, cha mẹ với con cái và cả cách vượt qua nỗi đau khi mất đi người thân trong cuốn Tim bình yên trong gia đình.
* 'Bông hồng cài áo' - từ đoản văn đến bản nhạc bất hủ về tình mẫu tử
Ông viết về mối quan hệ tình cảm giữa hai người: "Trong mối quan hệ giữa mình với người kia, có lúc mình giận hờn, khổ đau, mình cứ nghĩ là người kia có lỗi với mình, người kia đã gây nên những nỗi khổ đau cho mình nên mình không chấp nhận được người kia và làm cho sự truyền thông trở nên bế tắc. Khổ đau từ đó mà leo thang. Mình không nhìn lại để thấy rằng có thể mình đã đóng góp một phần nào đó trong nỗi khổ và cơn giận của người kia, nên người kia đã hành xử và nói năng như vậy... Nếu mình không thay đổi những tập khí của mình thì cho dù có cưới bao nhiêu người đi nữa mình cũng khổ đau".
Bóng dáng người mẹ thấp thoáng trong nhiều tác phẩm của thiền sư, điển hình là cuốn Bông hồng cài áo, từng là sách bán chạy một thời, được tái bản nhiều lần. Sách lấy theo tên đoản văn nổi tiếng từng được Phạm Thế Mỹ phổ nhạc, gợi ra những bí ẩn về tình mẫu tử, nhắc nhở mỗi người về sự kết nối với mẹ. Ông đặt ra nhiều câu hỏi chất vấn về thái độ của mỗi người với cha mẹ, khuyên giải nên dành phần thời gian ít ỏi của cuộc đời để yêu thương mẹ.
Trong sách, thầy Thích Nhất Hạnh cũng mở lòng về mẹ của ông, nỗi đau khổ khi ông phải chọn lựa giữa lý tưởng xuất gia và ước nguyện sống bên mẹ. Ông viết: "Không có lựa chọn nào mà không khổ đau", "Tôi không hối hận vì bỏ mẹ đi tu, nhưng tôi tiếc và thương cho tôi vô phúc thiệt thòi".
Ngoài những cuốn viết cho người lớn, Thiền sư Thích Nhất Hạnh có nhiều sách trẻ thơ, như Trong cái không có gì không?, Bồ Tát ngàn tay ngàn mắt, Mẹ con sư tử... Trong số đó, hai cuốn Con gà đẻ trứng vàng và Mỗi hơi thở một nụ cười (xuất bản năm 2018) đoạt giải Sách Hay năm 2019. Cuốn Con gà đẻ trứng vàng kể về thế giới tuổi thơ lấp lánh qua hai nhân vật: con gà tên Chừ (chừ trong "bây chừ") và cậu bé tên Tâm. Mỗi hơi thở một nụ cười là sách song ngữ Việt - Anh hướng dẫn thiền tập cho trẻ, chỉ ra trẻ con cũng cần tập thở, thông qua hơi thở để tìm thấy niềm vui, tình yêu thương.
Nhà văn Lê Phương Liên nhận xét: "Đọc hai tác phẩm này làm cho tôi sung sướng, hạnh phúc. Tính khai minh trong sách được truyền đạt đến trẻ em bằng ngôn ngữ giản dị và giọng văn miền Trung, nhẹ nhàng, ngọt ngào, sáng suốt...".
Nhà văn, nhà phê bình Nhật Chiêu nói: "Thiền sư Thích Nhất Hạnh là cây bút tài hoa, điêu luyện. Ông vận dụng nhiều thể loại, từ tản văn, thơ, tuỳ bút, truyện hư cấu và không hư cấu, giúp người đọc tìm thấy nhiều ý vị của đạo Phật".
Hà Thu