Các điểm du lịch khắp thế giới phải đối mặt với sự sụt giảm khách du lịch đáng kể trong bối cảnh dịch bệnh. Nhưng ít nơi nào bị ảnh hưởng nặng nề như Bali, điểm đến từng hút khách bậc nhất châu Á.
Từ tháng 1 đến tháng 10 năm nay, Bali chỉ đón 45 khách quốc tế. Con số này được đánh giá là "thảm hại" so với 6,2 triệu khách quốc tế năm 2019 và 1,05 triệu năm 2020. Đặc biệt, trong tháng 10 khi chính thức mở cửa, chỉ có 2 du khách nước ngoài đến, so với con số nửa triệu cùng kỳ của 2019. Ngoài ra, không có một chuyến bay quốc tế trực tiếp nào hạ cánh xuống hòn đảo. Số liệu này được Cục thống kê Trung ương Bali xác nhận.
Nyoman Gede Gunadika, người đứng đầu Sở Du lịch Bali, nói với CNN: "Đó là số lượng du khách nước ngoài thấp nhất mà chúng tôi từng ghi nhận". Đây là hậu quả của những biện pháp kiểm soát biên giới nghiêm ngặt, sân bay quốc tế Ngurah Rai đóng cửa. Hầu hết khách đến đây đều bằng du thuyền tư nhân. Từ 14/10, sân bay chính thức mở lại, nhưng phần lớn chỉ đón các chuyến nội địa đến từ Jakarta. 6 tuần sau khi Indonesia mở cửa, chỉ có 153 khách trên khắp thế giới nộp đơn xin thị thực du lịch, theo Tổng cục Nhập cư Indonesia.
Trước đại dịch, Dicky, một người bán đồ trang sức thủ công bằng vỏ sò cho khách du lịch, kiếm được khoảng 20 USD mỗi ngày. Nhưng gần hai tháng sau khi Indonesia mở cửa trở lại với du khách từ Trung Quốc và 18 quốc gia khác, lượng khách quốc tế mà Dicky từng dựa vào để bán hàng vẫn còn rất ít. "Tôi đến đây vào lúc 8h và đi bộ khắp bãi biển cả ngày. Tôi cố gắng lắm nhưng không bán được món đồ nào cả. Tôi không hiểu tại sao nhiều khách du lịch không đến đây khi hòn đảo đã mở cửa trở lại", Dicky bất lực nói.
Từ một hòn đảo du lịch trong mơ, Bali trở nên đìu hiu và ảm đạm. Trong thời gian chưa xảy ra đại dịch, các đường phố ngập tràn du khách chen chúc nhau, giờ đây, đường phố vắng tanh, các quán bar, nhà hàng vắng bóng khách. Hòn đảo từng "căng thẳng" khi đối mặt với hiện tượng du lịch quá mức, giờ đây như một thị trấn ma và các doanh nghiệp địa phương vật lộn để trụ vững với viễn cảnh du lịch quốc tế có thể sẽ không phục hồi trong nhiều năm. 75.000 phòng khách sạn được xây dựng dọc theo các bãi biển để đáp ứng nhu cầu khi lượng khách tăng lên mức kỷ lục vào năm 2019 giờ đìu hiu. Cùng năm 2019, TripAdvisor đánh giá đây là điểm đến hàng đầu châu Á và thứ 4 thế giới.
Chính sách nhập cảnh và thông điệp khó hiểu, phức tạp, thay đổi liên tục và đôi khi mâu thuẫn của chính phủ cũng đang khiến khách du lịch quốc tế tránh xa. Ví dụ, Thái Lan đã giới thiệu lại thị thực miễn phí cho khách du lịch và từ khi mở cửa tháng 7, quốc gia này đã thu hút hơn 40.000 lượt khách, nhưng để đến Bali, khách quốc tế phải đối mặt với các yêu cầu nhập cảnh khắt khe vì các chính sách phòng ngừa dịch bệnh từ chính phủ. Họ phải xin visa doanh nghiệp với giá 300 USD, vì hiện tại chính phủ chưa cấp thị thực du lịch, xét nghiệm PCR nhiều lần và mua bảo hiểm y tế đắt đỏ. Ngoài ra, giá vé máy bay cũng cao vì không có đường bay thẳng.
Justyna Wrucha, du khách Anh, đang lên kế hoạch cho một chuyến đi đến Bali cùng với chồng vào 26/12. Đây sẽ là lần đầu tiên Wrucha đến Bali, nơi mà cô luôn mong ước đặt chân tới. Tuy nhiên, chính sách cách ly du khách 10 ngày của hòn đảo khiến Wrucha không thoải mái, đặc biệt là đối với những người đã tiêm đủ 2 mũi. Ban đầu, thời gian cách ly ngắn hơn và mới được tăng lên gần đây sau những lo ngại vì biến thể Omicron.
Ray Suryawijaya, người đứng đầu Hiệp hội Nhà hàng và Khách sạn Indonesia tại Quận Badung của Bali, đồng tình với Wrucha. Ông cho biết với những rào cản đó, hòn đảo rất khó có thể đón nhiều khách quốc tế. Tuy nhiên, người dân trên đảo vẫn le lói tia hy vọng đón khách nội địa, khi tỷ lệ lấp đầy phòng tại các khách sạn hiện đạt 35%. Vào các dịp cuối tuần, khoảng 13.000 khách nội địa ghé đảo.
Không chỉ đối mặt với cảnh "ế khách du lịch", hòn đảo còn gặp vài ảnh hưởng từ thiên nhiên. Đầu tháng 12, Emily Damon, đến từ Mỹ, có kỳ nghỉ trên đảo Bali. Cô bất ngờ khi thấy bãi biển được mệnh danh là thiên đường du lịch, ngập trong rác. Cô quay lại cảnh tượng này và đăng tải video lên TikTok. Video nhanh chóng thu hút sự quan tâm, thu hút hơn 230.000 lượt xem và gần 3.000 bình luận kể từ 11/12.
Emily cho biết vô tình thấy cảnh tượng đáng buồn này khi đi dạo buổi sáng. Sau trận mưa lớn, rác dạt vào bờ. Toàn bộ bãi biển từng là nơi du khách tắm nắng và thư giãn ngập trong rác thải nhựa, túi, bao bì nilon, đồ cũ và các chất thải khác.
Cộng đồng mạng thể hiện sự bất lực và phẫn nộ trước hiện tượng này: "Động vật dưới đại dương đang phải sống chung với đống rác này", "Chúng ta đang phá hủy hành tinh", "Mọi thứ trở nên tồi tệ hơn sau mỗi năm"... Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng thật may đống rác thải đã được sóng đẩy vào bờ biển thay vì ở dưới đại dương, vì thế con người có thể dễ dàng dọn dẹp hơn.
Năm 2019, chính quyền Bali ban hành lệnh cấm nhựa dùng một lần, song dường như vấn đề môi trường trên hòn đảo vẫn chưa được cải thiện rõ rệt. Boracay, thiên đường biển đảo của Philippines cũng gặp tình trạng ô nhiễm. Song đầu tháng 12, tận dụng thời gian đảo vắng khách vì Covid-19 và lệnh phong tỏa còn hiệu lực, người dân cùng dọn dẹp những bãi biển để tạo môi trường thân thiện cho động vật hoang dã.
Chính phủ Indonesia cho biết du lịch chiếm hơn 50% nền kinh tế Bali và 700.000 công nhân đã phải ngừng việc kể từ khi đại dịch bắt đầu. Thống đốc Bali Wayan Koster đưa ra tuyên ngôn, trong đó kêu gọi hòn đảo này trở nên ít phụ thuộc hơn vào du lịch, đa dạng hóa nền kinh tế hơn sang các lĩnh vực khác như đánh bắt cá và xuất khẩu. "Sự phát triển của du lịch đang bị đẩy theo một hướng không chính xác và không mang lại lợi ích cho các ngành khác", ông nói. Hai năm vừa qua đã tạo động lực để ông thúc đẩy việc đa dạng hóa nền kinh tế hòn đảo.
Trung Nghĩa - Anh Minh tổng hợp