Indonesia đang là quốc gia đứng thứ hai, sau Trung Quốc, xả rác thải có số lượng lớn vào lòng biển, News đưa tin ngày 2/1. Mỗi năm, quốc gia với hơn 17.000 hòn đảo này đã xả ra biển hơn 1,29 triệu tấn rác thải.
Vấn đề rác thải đã khiến các quan chức tại Bali đau đầu đến mức, họ đã phải báo động khẩn về tình trạng rác ở nơi được mệnh danh là thiên đường du lịch châu Á này. Nơi được chính quyền Bali quan tâm nhất là 6 km bãi biển ở Jimbaran, Kuta và Seminyak.
Mỗi ngày có khoảng 700 lao công, 35 xe tải được điều động tới những nơi này để thu dọn 100 tấn rác.
Claus Dignas, một du khách Đức, cho biết mỗi ngày tại bãi biển nơi anh xuống tắm đều có các công nhân dọn rác. Tuy nhiên, vào ngày hôm sau, anh lại thấy rác chất đầy, dù đã được dọn gần như sạch sẽ vào hôm trước. "Không ai muốn tắm nắng trên những chiếc ghế dài đặt cạnh bờ biển và ngắm nhìn đống rác này", Claus cho biết.
Gede Hendrawan, nhà nghiên cứu hải dương học thuộc Đại học Udayana, Bali cho biết cả người dân và du khách đều phải chịu trách nhiệm về vấn đề rác thải của Bali. Ông cũng kêu gọi các nhà chức trách đầu tư thêm nguồn lực để giải quyết vấn đề này, nhằm lấy lại môi trường trong sạch, thu hút du khách. "Không ai muốn tắm ở một nơi mà rác nổi lềnh phềnh cả".
Trước vấn nạn về rác thải đến từ đại dương, chính phủ Indonesia đã tham gia vào Chiến dịch Biển sạch của Liên Hợp Quốc. Có gần 40 quốc gia tham gia vào chiến dịch, nhằm ngăn chặn việc xả rác vào biển, làm ô nhiễm đại dương. Theo cam kết của Indonesia, quốc gia này sẽ giảm 70% lượng rác thải trên biển vào năm 2025 bằng cách tăng cường việc tái chế, hạn chế sử dụng túi nhựa, chai nhựa, vận động các chiến dịch làm sạch và nâng cao nhận thức của cộng đồng.
Tuy nhiên, đây cũng là thách thức lớn của chính phủ, khi Indonesia có dân cư đông đúc, hơn 250 triệu người và cơ sở hạ tầng tái chế rác thải còn chưa tốt.