Chú chim Kiwi trong quyển sách Facts & Features vẫn còn in đậm trong trí nhớ sau gần 20 năm nên khi có cơ hội thăm New Zealand, tôi đã quyết mình nhất định phải ngắm tận mắt cho bằng được chú chim kiwi này.
Trong đầu tôi lúc đó chỉ biết đến kiwi là một biểu tượng của New Zealand. Kiwi là loài chim không có cánh, là nguồn cảm hứng để tạo nên đoạn phim hoạt hình ngắn “Kiwi” lấy nước mắt người xem, tôi không hề biết mình đã thiếu kiến thức đến mức nào.
Tôi đến vườn thú Auckland vào một ngày mưa xuân nhẹ. Trên đường đi bộ từ trạm xe buýt, băng ngang qua bảo tàng Bộ Công nghệ và Giao thông (MOTAT Museum), rồi tắt ngang qua Công viên Hồ (Lake Park), tôi đã thấy những “con gà” lạ lùng – đó là những chú Pukeko.
Những chú gà Pukeko độc đáo. Ảnh do độc giả cung cấp. |
Tôi lần lượt dạo qua hết những khu chim muông, thú vật. Mặc dù những bài thuyết trình của các huấn luyện viên thú rất hấp dẫn, thông tin trình bày rất gợi mở, khiến người xem muốn tương tác, tiếp tục tìm hiểu. Tuy nhiên, tôi cảm thấy tôi vẫn có thể nhìn thấy loài động vật này ở những nơi khác.
Ngay lúc đó thì tôi bước vào khu vực Te Wao Nui, nơi nuôi dưỡng những sinh vật địa phương của New Zealand và hầu như chỉ tìm thấy ở New Zealand. Tôi bắt đầu đọc được những thông tin về thảm động vật của New Zealand.
Cách trình bày thông tin vườn thú gây hứng thú cho người xem. Ảnh do độc giả cung cấp. |
Đời sống hoang dã của New Zealand biệt lập với phần còn lại của thế giới hàng triệu năm qua và vì điều kiện sống đặc thù của New Zealand mà mảnh đất này chỉ có những động vật hoàn toàn sống hòa bình với nhau, không có những con thú săn mồi nên những con chim không có cánh, những con thú yếu ớt vẫn có thể tồn tại.
Thế nhưng, con người đến, mang theo những động vật săn mồi, tiến hành tàn phá môi trường sống và đời sống hoang dã của vùng đất này. Động vật địa phương đã không thể nào chống chọi lại được con người, chuột, chuột hương, chó, mèo, kiến. Nhiều loài đã vĩnh viễn tuyệt chủng.
Danh mục những động vật đã hoàn toàn tuyệt chủng. Ảnh do độc giả cung cấp. |
Tôi đã lạnh cả người khi nhìn những danh sách dài dằng dặc những động vật của New Zealand đã mãi mãi bị tuyệt chủng vì sự săn bắt của con người và những động vật săn mồi do con người mang tới. Lúc đó tôi đã hiểu được nguyên do của những quy trình kiểm dịch gắt gao tại cửa khẩu.
Những ai vào New Zealand đều phải khai báo hết tất cả những vật phẩm có nguy cơ an toàn sinh học, sẽ được kiểm tra đến tận đôi giày mang theo có dính đất bẩn từ đất nước khác mang vào hay không.
Nếu không khai báo đúng và đủ những vấn đề liên quan đến an toàn sinh học thì bạn có thể sẽ bị phạt tại chỗ 400 USD, có thể bị phạt lên đến 100.000 USD và có thể nhận án tù lên đến 5 năm.
Tôi lần lần tham quan qua 6 khu của Te Wao Nui, gồm có Bờ Biển (Takutai), Đảo (Moutere Rahui), Ngập Nước (Nga Repo), Ban Đêm (Te Po), Rừng Rậm (Te Wao Nui a Tane) và Cao Nguyên (Whenua Waotu), ngắm nghía say mê những sinh vật chỉ tồn tại ở mảnh đất thiên đường mong manh này.
Rất may mắn là còn một vài đảo của New Zealand vẫn còn cô lập và chưa có động vật săn mồi đến, là nơi trú ẩn cho cho những loài như Tuatara, Tete, Kakariki... Ngày nay, nhiều vùng của New Zealand được dọn sạch động vật săn mồi ngoại lai để làm nơi trú ẩn cho những động vật nguyên thủy tại New Zealand.
Những con Tuatara độc đáo có thể chỉ cần thở một lần mỗi giờ, thằn lằn Mokomoko không đẻ trứng mà đẻ con, những con két Kakariki thọc mạch, những con vịt Tete nhỏ nhất thế giới, loài két núi kea duy nhất của thế giới, con lươn vây dài, những con chim không thể bay như Weka và dĩ nhiên là chú chim của thế giới về đêm, động lực đã thúc đẩy tôi đến vườn thú này – Kiwi.
Bước ra khỏi Te Wao Nui, chắc chắn rằng quan điểm của tôi về thiên nhiên đã đổi khác, chắc chắn rằng tôi sẽ nhớ mãi những vách tường treo hình ảnh chuyển đổi giữa con người và muôn loài nếu như ta nhìn từ những góc khác nhau, chắc chắn rằng tôi sẽ điều chỉnh hành động của mình.
Hy vọng những thiên đường của muôn loài sẽ không còn mong manh, bởi con người.