![]() |
Người Cơ đốc Palestine, hậu duệ của các tông đồ và tín đồ của Chúa, gần như đã rời khỏi đất thánh, và họ hầu như không được biết đến. Một số người khác, được coi là tín đồ người Do Thái, dường như chỉ làm suy yếu đi tinh thần cơ đốc bởi họ ủng hộ nhiệt thành các chính sách cứng rắn của Israel. Ở nơi hội tụ của những vấn đề tôn giáo và chính trị phức tạp này, sự suy yếu của đạo Thiên chúa đáng được coi là tấn bi kịch lớn. Trong lịch sử, người Công giáo Palestine cưu ngụ tập trung ở Jerusalem và Bethlehem. Nhưng sự ra đời của nhà nước Israel năm 1947 đã đẩy khoảng 50.000 trong số họ từ Tây Jerusalem đi lưu vong hoặc sang Bờ Tây, nơi họ tạo thành 20% dân số Palestine. Năm 1966, con số này giảm xuống còn 13%, và hiện chỉ là 2,9% trên các vùng bị chiếm đóng. Cộng đồng người Hồi giáo có tỷ lệ sinh cao hơn, nhưng nguyên nhân chủ yếu là do người Palestine theo đạo Thiên chúa di cư sang Mỹ và các nước khác. Di cư là nguyên nhân chính, bởi những người Công giáo có trình độ rời bỏ quê hương tìm cơ hội tốt hơn. Mặt bằng học vấn của người Thiên chúa cao hơn so với toàn bộ người Palestine, với tỷ lệ người có bằng đại học cao gấp 3 lần. Việc người Công giáo Palestine ra đi để lại một khoảng trống khó lấp. Vùng lãnh thổ bị chiếm đóng cần có kiến thức chuyên môn của họ cùng các tổ chức giáo dục khác. Nhưng hiện nay, các nhà thờ và thánh địa hầu như không có người Công giáo bản xứ, mà thường chủ yếu tiếp nhận các chức sắc nước ngoài để phục vụ du khách ngoại quốc. Mặc dù cũng có sự mâu thuẫn Công giáo - Hồi giáo ở các vùng bị chiếm đóng, đặc biệt từ sau khi các tổ chức Hồi giáo tăng cường đánh bom tự sát, các chức sắc Công giáo coi vấn đề trọng yếu nhất chính là ách chiếm đóng của người Israel. Người Công giáo cũng tham gia intifada lần thứ nhất, nhưng vai trò đó giảm đi nhiều trong cuộc xung đột hiện nay. Những người Palestine theo Thiên chúa giáo tham gia chống Israel luôn sát cánh với người Hồi giáo, chung lòng vì tổ quốc Palestine. Họ chỉ ra rằng tín đồ của hai đạo vẫn chung sống hoà bình nhiều thế kỷ, và sự phản kháng Israel có thể vượt qua bất kỳ điểm khác biệt nào về tín ngưỡng giữa những người Palestine. Sự chiếm đóng mới là thứ đang bóp chết đạo Cơ đốc trên đất thiêng. Cộng đồng công giáo Palestine, vốn hàng thế kỷ đóng vai trò là một nhóm thiểu số lớn, từng là cầu nối giữa các cộng đồng Do Thái, Hồi giáo và phương Tây. Nhưng cây cầu đó đã sụp đổ. Các khu định cư của người Do Thái bao vây làng mạc của cộng đồng Công giáo Palestine, những con đường định cư chia cắt đồng ruộng và phố phường của con chiên của Chúa, những vụ tấn công của quân đội Israel nhằm vào các mục tiêu của ngưòi Cơ đốc ngày càng nhiều. Bethlehem hầu như bị bao vây trong suốt năm ngoái. Đã có một số nỗ lực nhằm chấn hưng Thiên chúa giáo ở đất thánh, đặc biệt là của Giáo hội La Mã. Vatican tài trợ một số cơ sở giáo dục ở vùng lãnh thổ bị chiếm đóng. Mối lo chung của giáo hội được thể hiện qua bình luận của xơ Elaine Kelly ở Bethlehem: "Nhà thờ e rằng Đất thánh sẽ trở thành một bảo tàng Thiên chúa giáo, chứ không là nơi thờ phụng của cộng đồng, không phải là nơi chứng kiến sự tồn sinh của cộng đồng Thiên chúa, kể từ sau khi đức Jesus giáng thế". T. Huyền (theo Seatle Times) |