Người Á Đông từ lâu đã xem việc chăm lo, tích cóp tài sản cho bản thân và con cháu là một truyền thống quý báu. Câu nói "an cư lạc nghiệp" phản ánh tư tưởng đó một cách rõ nét.
Ông bà ta xưa sống dựa vào ruộng đất, có tiền là mua thêm ruộng để trồng trọt hoặc cho thuê lấy lợi tức. Ngày nay, nhiều người chuyển từ nông thôn lên đô thị, việc sở hữu nhà đất ở thành phố trở thành mục tiêu không khác gì mua ruộng đất ngày trước. Khi đã có một căn nhà để ổn định cuộc sống, họ lại tích lũy thêm để cho thuê, tìm kiếm nguồn thu nhập lâu dài.
Tuy nhiên, thời thế đã thay đổi. Giá nhà đất ngày nay tăng phi mã, khiến việc sở hữu nhà trở thành giấc mơ xa vời với không ít người. Điều này từng dẫn đến những tranh luận không ngừng về việc nên ưu tiên mua nhà hay những tài sản khác như xe hơi. Nếu ngày xưa, có xe hơi là biểu tượng của sự thành đạt, thì nay, để được coi là giàu có, phải sở hữu nhiều bất động sản.
Nhưng xã hội không bao giờ đứng yên. Những cuộc đổi ngôi từ giàu thành nghèo, từ vô danh thành đại gia, vẫn xảy ra như một quy luật tự nhiên. Người ta thường ví sự thay đổi này như câu chuyện về tờ vé số: chỉ trong phút chốc, một người có thể đổi đời.
Dù vậy, điều quan trọng nhất không phải là giàu hay nghèo mà là thái độ sống. Làm việc chăm chỉ, thân thiện với mọi người, biết tiết kiệm và hưởng thụ thành quả lao động một cách hợp lý, như thưởng cho bản thân những bữa ăn ngon hay chuyến du lịch ý nghĩa, chính là cách để duy trì hạnh phúc gia đình và kết nối tình thân.
Tiền bạc và tài sản, dù quan trọng, vẫn không phải là tất cả. Chúng ta có câu "cái khó bó cái khôn" và "có thực mới vực được đạo" để nhấn mạnh vai trò của vật chất.
Nhưng lại cũng có những câu như "không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời" để khẳng định trí tuệ và nỗ lực là yếu tố then chốt để vượt lên hoàn cảnh. Thế giới ngày nay chứng kiến hai loại tỷ phú: Những người thừa kế gia sản và những người tự mình đi lên từ bàn tay trắng. Ở một thế giới phẳng, cơ hội được chia đều cho mọi người, ai có năng lực và biết nắm bắt thời thế sẽ không thể nghèo, thậm chí còn giàu nhanh chóng dù xuất phát điểm thấp.
Những tỷ phú giàu nhất thế giới hiện nay chủ yếu là tỷ phú công nghệ. Trí tuệ và khả năng sáng tạo đã giúp họ vượt xa người khác, tạo ra tài sản khổng lồ trong thời gian ngắn.
Ở các nước đang phát triển, các tỷ phú thường làm giàu nhờ bất động sản hoặc khai thác tài nguyên. Nếu so sánh, tài nguyên giống như gia sản cha mẹ để lại: người giỏi biết cách khai thác để phát triển thêm, còn người xuất sắc hơn sẽ tìm cách sử dụng tài nguyên của người khác làm giàu cho mình.
Ngay cả những người xuất phát điểm thấp cũng không thiếu cơ hội để vươn lên nếu biết cách tìm kiếm và tận dụng. Ví dụ, thương mại điện tử đã mở ra một kỷ nguyên mới, nơi ai cũng có thể tham gia vào thương trường bất kể ở đâu. Nhiều người đã thành công rực rỡ nhờ sự sáng tạo và nỗ lực không ngừng.
Chúng ta không thể dựa mãi vào truyền thống hay tài sản thừa kế, mà cần phải nhìn nhận rằng trí tuệ và khả năng thích ứng mới là những giá trị lâu dài.
Xã hội sẽ tiếp tục phát triển, và thế hệ con cháu chúng ta chắc chắn sẽ tìm ra những cách thức mới để làm giàu, chứ không chỉ chăm chăm vào nhà đất như ngày nay. Hãy làm việc chăm chỉ, sống hài hòa và mở lòng trước những cơ hội, vì đôi khi, chỉ một khoảnh khắc cũng có thể thay đổi cả cuộc đời.
Thuật ngữ thìa vàng, thìa bạc, thìa đất xuất hiện năm 2015 và dần được sử dụng rộng rãi trong xã hội Hàn Quốc. Thìa vàng ám chỉ những đứa trẻ sinh ra trong gia đình giàu có, quyền lực, được tạo điều kiện tối đa về ăn học, đời sống và có bệ phóng để phát triển sự nghiệp bản thân trong tương lai. Thìa bạc là những đứa trẻ sinh ra trong gia đình có bố mẹ có công ăn việc làm ổn định, có thu nhập tương đối tốt, con cái được hỗ trợ tạo điều kiện học tập, được chăm sóc đầy đủ. Thấp hơn nữa, những đứa trẻ ngậm thìa đất sinh ra trong gia đình nghèo khó, gia đình bố mẹ bất hòa, tan vỡ, thậm chí chạy ăn từng bữa, sống lang bạt, bị ngược đãi hoặc bóc lột sức lao động. |
Hồng Nhung