Trao đổi với báo giới sáng nay tại Hà Nội bên lề Hội nghị thượng đỉnh ngành ngân hàng của Asian Banker, thượng nghị sĩ Mỹ Paul Sarbanes, đồng tác giả của đạo luật Sarbanes-Oxley, cho rằng, vấn đề khó nhất hiện nay của Việt Nam là cân đối giữa kiềm chế lạm phát và duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao.
Theo ông David Eldon, cựu chủ tịch Ngân hàng HSBC, việc thắt chặt tín dụng là phản ứng đầu tiên của hầu hết chính phủ khi lạm phát leo thang. Tuy nhiên, đây cũng không phải biện pháp duy nhất.
Giới chuyên gia cho rằng, cơ quan quản lý không nhất thiết phải liên tiếp can thiệp vào thị trường tài chính. Ảnh: Hoàng Hà |
Không đưa ra khuyến nghị cho trường hợp của Việt Nam, song ông Eldon cho rằng, kinh nghiệm nước láng giềng Trung Quốc đang thực hiện cũng đáng để tham khảo. Cũng trong tình cảnh lạm phát leo thang những tháng gần đây, Trung Quốc đang xiết chặt thị trường bất động sản và nhiều doanh nghiệp chuyển một phần hoạt động của các nhà xưởng về phía Nam, nơi có giá nhân công rẻ hơn.
"Thậm chí nhiều doanh nghiệp đang rót vốn sang chính Việt Nam vì giá nhân công ở đây còn thấp hơn ở miền nam Trung Quốc", ông Eldon nói thêm. Điểm đáng chú ý là các doanh nghiệp Trung Quốc đã rất tích cực tham gia cùng chính phủ nước này để kiềm chế lạm phát.
Tiền đồng liên tục tăng giá so với đôla đang khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu khốn đốn. Song theo ông David Eldon, nhìn ở một góc độ khác, đây có thể là một thuận lợi để giảm giá tiêu dùng trong nước. "Xuất khẩu khó khăn sẽ khiến các doanh nghiệp chú trọng hơn thị trường trong nước và hạ giá thành sản phẩm. Nhờ thế mà giá cả sẽ thấp hơn, và giúp hạ nhiệt cơn sốt", ông phân tích.
Các chuyên gia quốc tế cũng cho rằng, vấn đề quan trọng hiện nay với ngành tài chính Việt Nam là làm sao chọn được những nhân tố phù hợp để tham gia thị trường. Ông David Eldon nhận định, để có một thị trường khỏe mạnh, cần có thời gian, chứ không thể gấp rút: "Để thị trường vận hành tốt, không thể có chuyện ngày một ngày hai với những biện pháp nhanh chóng".
Ngọc Châu