![]() |
Rượu Tây Australia được giới thiệu tại khách sạn Sheraton, TP HCM. |
Tổng giám đốc Vine Group Donald Berger cho rằng, thị trường rượu vang VN đang có sự thay đổi mạnh mẽ. "Hàng của Pháp, Italy không còn độc chiếm thị trường như thời điểm trước năm 2001, vang Chilê, Australia, Tây Ban Nha hiện tràn ngập thị trường VN", ông Berger nhận xét.
Đại diện nhà sản xuất rượu Chalice Bridge của Australia trong chuyến tìm hiểu thị trường Việt Nam hồi tháng 9 nhận định, lượng khách nước ngoài đổ vào VN ngày càng nhiều thông qua con đường làm việc và du lịch đang là cú hích kích cầu trên thị trường rượu.
Tại các cửa hàng bán lẻ, rượu vang không còn là món đồ xa xỉ nữa. Bà Nguyễn Thị Thu, chủ cửa hàng rượu Thu Hường trên đường Hai Bà Trưng, Hà Nội cho hay mức tiêu thụ rượu đang ngày càng tăng. Theo bà Thu, sức mua tăng mạnh trong năm nay là do đời sống của người dân được nâng cao nên chi phí để mua một chai rượu ngoại không quá xa tầm tay của người tiêu dùng.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2004, tổng giá trị rượu nhập ngoại tại thị trường VN ước tính đạt hơn 6 triệu USD, trong đó vang Pháp chiếm hơn một nửa. Con số này tăng gấp đôi so với năm 2003. Trong cả năm ngoái, hải quan cửa khẩu đã sử dụng khoảng 10 triệu tem rượu nhập khẩu, tăng hơn 2 triệu chiếc so với năm trước. Đó là chưa kể tới những trường hợp rượu vang nhập không chính thức, hàng xách tay. |
Nhu cầu về rượu tăng là lý do thu hút hơn 400 khách hàng gồm các nhà hàng, khách sạn, "trùm" kinh doanh ngành rượu tại TP HCM đến "làm quen" với các nhà sản xuất rượu vang Australia trong 2 buổi giới thiệu về nếm thử rượu vang tối 20-21/9. Hàng loạt hợp đồng đặt hàng có thời hạn ít nhất trong 6 tháng đã được họ ký với 5 hãng rượu Australia, trong đó có 6 khách sạn 5 sao tại TP HCM.
Nhu cầu tăng cao, thuế nhập khẩu giảm, người tiêu dùng ngày càng đòi hỏi rượu vang ngon, hảo hạng là những lý do rượu nội ngày càng lép vế. "Phần lớn rượu sản xuất trong nước được làm từ sirô dâu, dâu tằm, nho, sau đó cho phẩm màu công nghiệp vào với bí quyết sao cho nồng độ rượu từ 13o trở lên là được người tiêu dùng bình thường chấp nhận", giám đốc một công ty sản xuất rượu vang tại Bảo Lộc cho VnExpress biết. Cũng theo ông, công nghệ này chỉ đưa đến chất lượng rượu bình dân chứ không thể tiếp cận được người tiêu dùng "sành điệu".
Theo Hiệp hội rượu bia và nước giải khát Việt Nam, trong nước hiện có khoảng 10 doanh nghiệp sản xuất rượu vang, với số lượng mỗi năm ước tính 12,5 triệu lít. Trước sức ép hàng nhập khẩu, các nhà sản xuất vang nội buộc phải tìm cho mình phân khúc thị trường riêng, hướng tới phục vụ đối tượng khách hàng có thu nhập trung bình giá phổ biến 30.000 - 50.000 đồng/chai.
Ông Nguyễn Văn, Giám đốc VanGres, một liên doanh với hãng rượu Gres nổi tiếng của Đức nói, công ty ông phải mất cả năm trời mới tiếp cận được một phần thị trường.
Việt Nam đã bắt đầu thực hiện lộ trình giảm thuế cho mặt hàng rượu nhập khẩu. Lộ trình này gồm 2 giai đoạn, giai đoạn 1 từ 100% xuống 80% vào tháng 1/2004; giai đoan 2 từ 80% xuống 70% vào thời điểm từ tháng 1/2005. Tới thời điểm tháng 1/2006, Việt Nam sẽ có một thị trường rượu ngoại sôi động, phong phú, thời điểm mà nhu cầu về rượu đặc biệt tăng cao phục vụ cho dịp Tết nguyên đán cổ truyền VN. |
Ông Văn cho rằng việc Bộ Tài chính giảm thuế nhập khẩu cho một số loại rượu nước ngoài đã đẩy các nhà sản xuất rượu Việt Nam vào thế cạnh tranh không cân xứng. "Chất lượng rượu thì không thể thay đổi, chúng tôi buộc phải cắt giảm chi phí để hạ giá thành, nâng chất lượng bao bì mẫu mã...", ông Văn phân trần.
Một loạt nhà sản xuất rượu vang Việt Nam như Công ty thực phẩm Lâm Đồng, Công ty Rosa Vạn Đạt... đang phải liên tục đầu tư thiết bị để sản xuất và đưa sản phẩm mới ra thị trường. Công ty thực phẩm Lâm Đồng - chủ thương hiệu rượu vang Đà Lạt - hàng năm đưa ra thị trường hơn 1,4 triệu lít rượu. Sản phẩm mới nhất của vang Đà Lạt là loại rượu vang nhẹ độ có ga (Wine Culor 5,5o), song vẫn đang ở mức thăm dò thị trường và "đo" độ chấp nhận của người tiêu dùng.
Công ty VanGres cũng đang chuẩn bị nhập máy móc thiết bị để gia tăng sản lượng. "Hướng phát triển của VanGres không chỉ trong thị phần nhà hàng khách sạn, mà còn phải tiến ra chiếm lĩnh thị trường nội địa cao cấp", ông Nguyễn Văn cho biết.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, giám đốc công ty Lan Chi (thương hiệu Lacave), nhà phân phối rượu vang ngoại nổi tiếng trong nước lâu nay với 80% là vang Pháp, khen ngợi rượu vang sản xuất trong nước đang dần ổn định về chất lượng, nhất là vang Đà Lạt. Tuy nhiên bà Lan cũng cho biết vang Pháp vẫn chiếm lĩnh thị trường VN rồi đến vang Australia, Chilê, Mỹ. Người tiêu dùng trong nước chuộng vang ngoại vì chất lượng ổn định, hợp với gu của người thưởng thức chuyên nghiệp.
Phan Anh - Việt Phong