Mía đường vẫn trong cơn bão giá. |
Hiện giá đường trên thị trường đã đồng loạt tăng thêm 700 đồng/kg và dao động ở mức 4.700-6.400 đồng/kg. Cụ thể, đường Mỹ Tho giá 4.700 đồng/kg (cát vàng) và 5.300 đồng/kg (cát trắng); đường RS lên 5.300 đồng/kg, đường RE lên 5.700 đồng/kg. Riêng giá đường tinh luyện Biên Hòa đã lên đến 6.400 đồng/kg, cao nhất trong vòng 2 năm trở lại đây.
Theo ông Tam, năm ngoái, các doanh nghiệp mía đường chỉ đặt mục tiêu phấn đấu đạt mức 4.000 đồng/kg đường thô, 4.500 đồng/kg đối với đường trắng và 5.000 đồng/kg đối với đường tinh luyện. Tuy nhiên, năm nay, do tình hình thời tiết bất ổn, diện tích trồng mía trong nước giảm từ 320.000 ha (năm 2003) xuống còn 300.000 ha (năm 2004) và sản lượng mía giảm hơn 100.000 tấn so với niên vụ trước, hiệp hội quyết định nâng mức giá bán thống nhất là 4.700-5.000 đồng/kg ngay từ đầu vụ cho các doanh nghiệp. "Tuy nhiên, diễn biến thị trường ngày một thất thường, khiến cho mức giá này cũng ngày một biến động theo chiều hướng tăng lên", ông nói thêm.
Hiện hầu hết các đơn vị sản xuất đường trong nước phải mua mía với giá cao do sản lượng mía giảm, nên mỗi đợt giao hàng, nhiều công ty đã phải tăng giá bán 10-40 đồng/kg mà vẫn lỗ. "Giá đường đã tăng trên mức giá định hướng mà Hiệp hội gửi các doanh nghiệp 500-1.000 đồng/kg. Điều này cũng không thể trách các doanh nghiệp được vì hầu hết các nhà máy sản xuất mía đường trong nước đang gặp nhiều khó khăn về giá nguyên liệu và nhiên liệu", ông chia xẻ.
Hiệp hội Mía đường Việt Nam vừa ký văn bản gửi các thành viên và doanh nghiệp liên doanh ngành mía đường về việc ổn định giá đường. Theo đó, hiệp hội đề nghị các công ty, nhà máy đường cả nước theo dõi chặt chẽ tình hình thị trường, bán ra có mức độ để vừa không phải nhập khẩu đường, vừa đề phòng đường lậu xâm nhập. Tuy nhiên, với nguồn cung thấp và nếu các nhà máy khống chế bán ra thì một cơn sốt giá đường xảy ra là khó thể tránh khỏi. |
Ngoài ảnh hưởng của việc diện tích và sản lượng trong nước giảm, giá đường tăng còn do chịu tác động trực tiếp từ thị trường thế giới.
Theo ông Tam, do thời tiết khắc nghiệt, hạn hán và diện tích giảm, sản lượng đường của nhiều nước như: Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc... đều giảm mạnh và có khả năng thiếu hụt gần 3 triệu tấn.
Cụ thể, sản lượng mía đường của Ấn Độ mới chỉ đạt trên 8,5 triệu tấn (giảm trên 600.000 tấn so với cùng kỳ liên vụ trước). Riêng khu vực Đông Bắc Thái Lan, nơi đóng góp 40% sản lượng mía của nước này có thể sẽ giảm khoảng 20% sản lượng mía...
"Tình hình khan hiếm nguồn cung đã đẩy giá đường thế giới trong vòng 1 tháng qua tăng từ 200 USD/tấn lên 228 USD/tấn và sẽ còn tăng trong thời gian tới", ông Tam dự đoán. Chưa kể, Trung Quốc và châu Âu dự đoán mỗi nơi giảm khoảng 1 triệu tấn so với niên vụ trước do mất mùa. "Vì vậy, rất có khả năng đường của Việt Nam sẽ xuất khẩu ngược trở lại Trung Quốc khiến cho giá đường trong nước càng tăng cao hơn", ông Tam lo ngại nói.
Minh Khuyên