![]() |
VN thu hút nhiều hãng hàng không khai thác. Ảnh: H.H. |
Ông Salom Saphyr, Trưởng đại diện Hãng máy bay Cessna (Mỹ) tại VN, có vợ người Việt. Hai vợ chồng ông vừa ký hợp đồng mua 2 chiếc máy bay, một hạng thường giá 2 triệu USD và một hạng sang giá 14 triệu USD với sự trợ giúp vốn của hai ngân hàng trong và ngoài nước. Một chiếc sẽ được giao vào tháng 4 và chiếc kia được giao vào tháng 8/2008. Trước khi Nghị định về kinh doanh vận chuyển hàng không được ban hành (tháng 5 vừa qua), khá nhiều cá nhân, doanh nghiệp trong đó có cả nước ngoài và VN đề nghị hợp tác với vợ chồng viên phi công người Mỹ để thành lập hãng air taxi đầu tiên tại VN. "Sáng anh có thể ở Hà Nội, ăn trưa ở Hong Kong bàn việc cùng đối tác và chiều đã ở văn phòng. Air taxi cho phép khách hàng không mất hàng giờ đồng hồ chờ đợi ở sân bay", ông Shalom nói.
Theo quy định, muốn thành lập một hãng hàng không, cá nhân hoặc tổ chức cần ít nhất 200 tỷ đồng và một máy bay. Ông Salom cho hay, huy động 200 tỷ đồng không khó, máy bay ông đã có. Ông nói: "Chúng tôi đang trong quá trình thương thảo với các đối tác, dự kiến sớm nhất là tháng 4 năm sau hãng được thành lập và bắt đầu có chuyến bay. Với nhu cầu như hiện tại khoảng 5 năm sau hãng bắt đầu có lãi".
Trong gần 10 năm hiện diện ở VN, cá nhân ông Shalom và hãng Cessna đã nghiên cứu thị trường rất kỹ và thấy nhu cầu đi lại bằng air taxi ngày càng lớn, chẳng hạn phục vụ các vị lãnh đạo, doanh nhân, bệnh nhân hay những người có nhu cầu rút ngắn thời gian đi lại, khách thích du lịch mạo hiểm sang trọng. Chỉ riêng vận chuyển bệnh nhân, mỗi năm VN có hơn 100 trường hợp thuê máy bay riêng chở ra nước ngoài để cấp cứu, chữa bệnh với số tiền ước chừng 15.000 USD/lượt. Tại Thái Lan hiện có khoảng 20 máy bay hạng nhỏ phục vụ khách du lịch.
Tiềm năng thị trường lớn cũng là lý do mới đây Vietnam Airlines và tập đoàn Dầu khí cùng bắt tay thực hiện đề án xin thành lập hãng air taxi. Chưa rõ công ty đầu tiên trong lĩnh vực này thuộc về ai song ông Shalom tin tưởng "những người đi trước không quan trọng, quan trọng ở chỗ ai biết cách làm".
Vietnam Airlines bớt đặc quyền
Kể từ sau khi cổ phần hoá và tách ra khỏi hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines, Pacific Airlines chưa bao giờ là một đối thủ đáng kể với Vietnam Airlines. Giám đốc Pacific Airlines Lương Hoài Nam cho rằng với quy mô bằng 1/10 của Vietnam Airlines, lại phải thuê toàn bộ dịch vụ mặt đất của hãng này, không có khu đất riêng tại các sân bay, hãng thật sự khó khăn khi “chơi chung sân” cùng “ông anh cả”. Có thời điểm 40% chi phí đầu vào của Pacific phải chi trả cho các dịch vụ thuê lại của hãng hàng không quốc gia như check-in, xăng dầu, kho bãi, suất ăn, ôtô chở khách trong sân đỗ...
Với sự kiện Qantas (Australia) mua tới 30% cổ phần của Pacific Airlines trị giá khoảng 50 triệu USD, hãng sẽ có thêm tiềm lực để tập trung cạnh tranh mạnh mẽ hơn với Vietnam Airlines trên đường bay vàng Hà Nội - TP HCM. Hãng hàng không này vừa tung ra chương trình khuyến mãi hè với nhiều mức giá giảm và thu hút sự chú ý của nhiều khách hàng.
Cục phó Cục Hàng không VN Lại Xuân Thanh nhận xét, với tình hình thị trường hiện nay, sự cạnh tranh thật sự không chỉ đến từ yếu tố Pacific Airlines có thêm tiềm lực tài chính mà tới đây sẽ có thêm các hãng hàng không tham gia vào thị trường nội địa. “Hãng hàng không được thành lập theo pháp luật về doanh nghiệp. Quy định ưu tiên phát triển hãng hàng không quốc gia được bãi bỏ, thực hiện chính sách đối xử bình đẳng giữa các hãng hàng không", ông Thanh khẳng định.
Phong Lan