Chiếc máy bay duy nhất của Hãng hàng không Indochina Airlines đã không thể cất cánh trong ngày hôm nay, mà tiền vẫn là lý do chính. Trong khi đó, nguy cơ bị rút giấy phép vẫn treo lơ lửng khi Cục Hàng không VN ra tiếp văn bản đề nghị thu hồi quyền bay từ 1/1/2010. Như vậy chỉ còn hơn một tháng nữa, Indochina Airlines sẽ phải có câu trả lời rõ ràng cho bài toán về vốn, chiến lược đầu tư, kế hoạch bay và giải quyết các khoản nợ.
Nhiều hãng hàng không thế giới đã có mặt tại VN. Ảnh: T.S. |
Theo thông tin từ phía Indochina Airlines, sau nhiều lần họp bàn, các cổ đông chưa đi đến quyết định cuối cùng cho câu hỏi có tiếp tục rót vốn. Trường hợp xấu nhất xảy ra nếu Indochina Airlines không được bơm thêm tiền, hãng sẽ phải ngừng bay và chấp nhận mất toàn bộ số tiền đầu tư ban đầu.
"Chúng tôi không mong điều này xảy ra và vẫn đang chờ những tín hiệu tích cực trong các cuộc đàm phán", lãnh đạo Indochina Airlines nói.
Hãng đã ngừng bay từ ngày 1/11 đến nay với lý do bảo dưỡng máy bay song nhiều ý kiến cho rằng lý do an toàn chỉ là cách nói khéo. Indochina Airlines đang nợ đối tác cung cấp xăng dầu, dịch vụ bay số tiền trên 30 tỷ đồng. Với một hãng hàng không, con số nợ này không phải nhiều, cái chính khi tàu bay cất cánh nó sẽ trở thành một cái máy uống tiền khiến Indochina Airlines rơi vào tình trạng nợ gối đầu lên nợ.
Nếu giấc mơ bay của "ông Tổng" - Hà Hùng Dũng bị dập tắt khi Cục Hàng không VN thu hồi giấy phép, đó sẽ là một bài học để những hàng không tư nhân khác thận trọng khi đặt chân vào thị trường vốn được coi là khắc nghiệt nhất.
Giới chuyên gia nhìn nhận, những tháng cuối năm 2009, thị trường hàng không gặp vận đen khi các sự cố liên tiếp xảy ra.
Jetstar Pacific Airlines đang đối mặt với khủng hoảng khi vừa gặp rắc rối vì sử dụng thương hiệu và biểu tượng của hãng hàng không giá rẻ Australia - Jetstar Airways, lại đang bị giám sát và thanh tra toàn diện công tác an toàn hàng không. Việc thanh tra này bắt đầu từ ngày 5/11, ngay sau khi Cục nhận được đơn tố cáo từ một cựu kỹ sư người nước ngoài bị đuổi việc khỏi hãng từ 15/9/2009. Ngay giữa lúc rối ren này, Tổng giám đốc - Lương Hoài Nam - người tâm huyết với mô hình hàng không giá rẻ làm đơn từ chức.
Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước - Lê Song Lai tạm tiếp quản vị trí CEO của Jetstar Pacific trong bối cảnh "nhìn đâu cũng thấy khó". Ông cho biết, mấy tháng qua, hãng giằng co trong tình trạng hoà vốn, có tháng có lãi và có tháng lỗ. Mặc dù tỷ lệ chuyên chở hành khách cao, 86-90% trên mỗi chuyến bay, hãng này cho rằng quá khó để có lãi trong điều kiện giá dầu vẫn cao và tình trạng hai tỷ giá hối đoái hiện nay. “Chúng tôi thu đầu vào bằng đồng Việt Nam nhưng chi bằng ngoại tệ. Rất khó để tồn tại trong điều kiện hiện nay", ông Lai nói.
Về phía hãng hàng không tư nhân Vietjet Air, dù được cấp giấy phép sớm nhất song đến thời điểm này doanh nghiệp chưa tiết lộ kế hoạch cho chuyến bay thương mại. Có lẽ, trong bối cảnh này, hãng Mekong Air mới được cấp phép cũng sẽ phải cân nhắc rất kỹ bài toán gia nhập thị trường. Một chuyên gia kinh tế nhìn nhận, tại thị trường VN, loại hình dịch vụ nào cũng vậy, giá vẫn là yếu tố cạnh tranh hữu hiệu nhất. Do vậy, các hãng hàng không mới muốn tham gia thị trường chỉ có cách lấy ngắn nuôi dài, lấy số đông để duy trì tốc độ tăng trường. Trong đó, giảm giá vé, tăng khuyến mãi vẫn là yếu căn bản thu hút khách hàng, tăng thị phần.
Tuy nhiên, nhìn nhận vào thực tế, mặc dù tuyên bố mình là hãng hàng không đẳng cấp song người anh cả - Vietnam Airlines cũng đang bước vào cuộc đua giảm giá và liên tục tung chiêu khuyến mãi trên trục nội địa. Như vậy, nếu Vietnam Airlines bước vào cuộc đua giảm giá thì chắc chắn sẽ không có hãng nào "qua mặt" bởi lẽ với nhiều năm kinh nghiệm chinh chiến, tiềm lực sẵn có, hãng hoàn toàn có thể hạ giá đến mức không doanh nghiệp nào có thể theo kịp.
Về nguyên tắc, cạnh tranh sẽ giúp hạ nhiệt giá bán, người tiêu dùng được lợi, song nếu sức ép thị trường quá lớn khiến các hãng hàng không mới được cấp phép mà khó có cửa để ra đời thì đó lại là hiểm họa báo trước về nguy cơ tái độc quyền trên thị trường hàng không. Indochina Airlines cần tiền để duy trì kế hoạch bay. Vietjet Air cũng cần rất nhiều tiền nếu muốn ra đời. Jetstar Pacific muốn giải bài toán về thương hiệu cũng phải mất khá nhiều tiền nếu muốn "đập đi xây mới". Thị trường hàng không đang cần một cây đũa thần đủ mạnh để phân chia rạch ròi thị phần nếu muốn có cạnh tranh thực sự.
Hồng Anh