Du khách Nhật thích mua hàng Việt Nam. |
Ông Kamata, Trưởng đại diện Công ty Mitsui chuyên về hàng dệt may của Nhật Bản (văn phòng tại TP HCM), cho biết, việc sản xuất quần áo trong thị trường nội địa của Nhật Bản đã có dấu hiệu giảm sút cách đây hơn 10 năm và kéo dài tới bây giờ. Lý do là sự khủng hoảng về thị trường, kết hợp với việc chuyển sang sản xuất gia công để cắt giảm chi phí sản xuất. Tiền lương của công nhân Nhật rất cao nên ngành dệt may không có nhiều khả năng để trả công.
Hiện hàng nhập khẩu của Nhật chủ yếu là từ Trung Quốc, nhưng nó đã giảm mạnh về số lượng (giảm 5,04 tỷ bộ/năm), và giá trị cũng giảm 5,3% so với trước. Gần đây, hàng nhập khẩu từ Hàn Quốc, Đài Loan, Hong Kong cũng đã sụt giảm. Trong khi đó, hàng may mặc nhập khẩu từ Việt Nam, Indonesia và các nước ASEAN khác hiện chiếm thị phần khá nhỏ ở Nhật Bản.
Ông Noriyasu, Phó trưởng đại diện Mitsui, cho hay thị trường quần áo ở Nhật được gọi là "hủy diệt giá cả". Việc chuyển giao sản xuất vào Trung Quốc và các nước châu Á đã góp phần hạ giá thành sản phẩm, thay đổi hệ thống phân phối. Người tiêu dùng ở Nhật đã tẩy chay hàng may mặc thông thường, hàng tồn đọng mà có khuynh hướng lựa chọn rộng rãi hơn về vật liệu, thiết kế và thị hiếu. Do đó, chuỗi cung cấp cần phải thích ứng với nhu cầu và mong muốn chất lượng cao hơn của người tiêu dùng ở Nhật.
Cả hai ông đều cho rằng doanh nghiệp Việt Nam có đủ khả năng làm được điều này, vì có nguồn nhân công dồi dào, khả năng sản xuất tốt, giao hàng đúng hẹn, đặc biệt luôn đảm bảo chất lượng sản phẩm. Thực tế cho thấy, khi du khách Nhật sang Việt Nam họ thường thích mua quần áo.
Ông Nguyễn Đức Hoan, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may và Thêu đan TP HCM, đồng thời là Giám đốc Công ty dệt may Song Ngọc, cũng cho rằng, Nhật Bản có nhiều cơ hội cho nhà xuất khẩu hàng may mặc Việt Nam. Vì nhập hàng vào thị trường này không phải bị áp phí quota như vào Mỹ, EU và hàng nhập khẩu Nhật đang tăng lên rõ rệt. "So với Trung Quốc thì Việt Nam chưa thể cạnh tranh được, nhưng xu hướng gần đây khách Nhật không mấy ưa chuộng hàng của Trung Quốc. Và Nhật Bản cũng không muốn làm việc với một mình Trung Quốc, vì như thế sẽ không cạnh tranh được về chất lượng. Họ rất thích hàng may mặc của Việt Nam, do chất lượng tốt, giá cũng phải chăng", ông Hoan nói.
Công ty Song Ngọc năm nay chủ yếu làm hàng xuất sang Nhật, chiếm 90% lượng hàng sản xuất. Tổng số quần tây khoảng 1 triệu chiếc và 400-500 nghìn chiếc áo jacket. Vì mùa này thị trường Nhật hút hàng nên ông Hoan đã chớp lấy thời cơ tốt để đưa hàng vào thị trường Nhật.
Tuy nhiên, ông Phùng Đình Ngọ, Giám đốc Công ty may tư nhân Bình Hòa, đường Dương Quảng Hàm, quận Gò Vấp, còn nghi ngại bởi Nhật là thị trường hàng cao cấp nên số lượng hàng nhập không được đại trà mà phải đảm bảo chất lượng mẫu mã tốt. Để làm được việc này, doanh nghiệp dệt may Việt Nam phải có máy móc thiết bị hiện đại. Còn doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam thì chưa thể làm được mặc dù vẫn biết Nhật là thị trường đầy tiềm năng
Thùy Vinh