Tôi là người gốc Bắc, vào Kiên Giang theo gia đình từ năm ba tuổi. Gia đình tôi chuyển vào thị trấn Kiên Lương, một thị trấn nhỏ gần biên giới. Dân cư chủ yếu sống bằng nghề trồng trọt và làm việc cho các nhà máy xi măng. Với tôi, thị trấn này là nơi đã cất giữ giùm tôi những kỷ niệm thời thơ ấu. Những kỷ niệm đó đã trở thành hành trang vững chắc cho tôi bước vào đời.
Thị trấn của tôi rất nhỏ, nhà cửa san sát nhau, đi vòng vòng khoảng năm phút là sẽ hết thị trấn. Đa số mọi người trong thị trấn đều biết nhau hết. Có lẽ điều này là lợi thế cho lũ trẻ con chúng tôi ngày ấy, khi mà trẻ con thoải mái chạy sang nhà nhau chơi, thoải mái lang thang quanh thị trấn để hái hoa, chơi đồ hàng. Bố mẹ không phải lo lắng, canh chừng trẻ con có thể đi lạc hay bị bắt cóc. Tôi thầm cảm ơn những ngày tháng đó, vì nhờ những ngày tháng đó, khả năng quan sát, học hỏi của tôi dần được hình thành. Cũng nhờ sống ở thị trấn nhỏ như vậy, nên trẻ con chúng tôi thường đi bộ đến trường, vì vậy, khả năng tự lập và sức khỏe của chúng tôi rất tốt.
Thị trấn của tôi thuộc tỉnh Kiên Giang, nằm trong vùng Tứ Giác Long Xuyên, vì vậy, mỗi mùa nước lũ trở thành một người bạn thân thiết, đến hẹn lại lên, đều đặn năm này sang năm khác. Có thể với những người khác, mùa nước lũ như là một người khách bất đắc dĩ. Nhưng với cư dân sống tại thị trấn của tôi, bạn hãy thử hỏi họ: Bạn có ghét mùa nước lũ không? Ban đầu, họ sẽ trả lời bạn là: “Có”. Nhưng sau đó, họ sẽ cười xòa và nói với bạn rằng: “Thật ra, chúng tôi quen rồi, ban đầu cũng ghét lắm, nhưng sau này, chúng tôi coi mùa nước lũ như những người bạn, đều đặn, đến hẹn thì đến thăm nhà mình. Chúng tôi học cách sống chung với lũ và khai thác được nhiều điều từ nó”. Thật vậy, mùa nước lũ trong ký ức tuổi thơ tôi là những tháng ngày trẻ con chúng tôi lội bì bòm trên sân trường đầy nước để vào lớp. Sau này, khi trường của chúng tôi có điều kiện kinh tế tốt hơn, nền sân trường được nâng cao, không còn cảnh bì bõm lội nước như xưa. Tuy vậy, mỗi khi nhớ về mùa nước nổi, với tôi, đó là động lực để tôi cố gắng học, để có thể thoát nghèo. Khi đã trưởng thành và đi xa thị trấn, mỗi khi nhìn thấy cảnh mùa nước lũ trên tivi, thấy ánh mắt những em học trò vùng lũ, tôi lại khao khát làm việc, để bản thân mình trở nên giàu có hơn, để có thể cống hiến nhiều hơn nữa cho xã hội, chỉ mong rằng: những thế hệ sau này sẽ không còn phải vất vả trên con đường chinh phục tri thức.
Căn nhà nhỏ của chúng tôi tại thị trấn này là nơi cất giữ giùm tôi những bài học thời thơ bé. Có hai câu chuyện luôn in đậm trong tâm trí tôi và làm động lực cho tôi phấn đấu.
Câu chuyện thứ nhất: Bố tôi là nhân viên của nhà máy xi măng. Lúc đó, nhà máy có thuê giáo viên dạy tiếng Anh từ Sài Gòn về dạy cho nhân viên nhà máy. Bố tôi tuy lớn tuổi nhưng rất ham học. Một từ tiếng Anh, bố có thể viết đi viết lại hàng chục lần, đến khi thuộc mới thôi. Bố còn rủ tôi học chung. Bố hay đố tôi các từ tiếng Anh và ra điều kiện: nếu từ nào con quên thì phải viết hai mươi lần, còn nếu nhớ hết tất cả các từ bố đố thì sẽ được ăn kem. Vì vậy, tôi luôn cố gắng học thật tốt. Bố hay xoa đầu tôi: “Cứ cố gắng học cho tốt con ạ, không bổ dọc thì cũng bổ ngang”. Câu nói của bố tuy giản dị nhưng luôn là động lực để tôi vươn lên trong cuộc sống. Sau này, khi ra ngoài xã hội, tôi luôn tranh thủ học hỏi mọi lúc và mọi nơi có thể.
Câu chuyện thứ hai: Ngày nhỏ, nhà tôi có một cái ao. Cá bơi rất nhiều. Một lần, thấy một đàn cá bơi ngang qua, tôi đã nghịch ngợm bắt lấy con cá mẹ và cho vào bịch nylon. Sau đó, do không biết cách, tôi đã cột chặt bịch nylon lại, và con cá mẹ đã bị chết. Tôi đã rất áy náy về việc đó. Tuy nhiên, ngày hôm sau, khi nhìn đàn cá, tôi đã thấy một con cá khác, lớn thứ hai trong đoàn, dẫn đàn cá đi kiếm ăn. Khi nhớ lại hình ảnh đó, tôi thật sự rất nể phục đàn cá. Loài vật còn biết vượt qua nỗi đau của sự mất mát, thì không cớ gì con người không làm được. Và cũng từ đó, tôi không còn nghịch ngợm, không còn bắt cá hay chọc ghẹo bất kỳ con vật nào nữa.
Giờ đây, khi đã chuyển đến sinh sống ở TP HCM, nhưng những kỷ niệm một thời thơ ấu tại thị trấn nhỏ gần biên giới luôn là động lực cho tôi phấn đấu trong cuộc sống. Cảm ơn thị trấn nhỏ này, nơi đã cất giữ một phần cuộc đời tôi.
Thùy Linh
Từ ngày 13/7 đến ngày 9/8, Báo điện tử VnExpress phối hợp cùng Công ty TNHH Đầu tư Phúc Khang Sen Việt L.A tổ chức cuộc thi "Trở về quê hương". Bài dự thi là những chia sẻ về cảm xúc, ký ức, kỷ niệm ngọt ngào về quê hương. Cuối chương trình, ban tổ chức sẽ chọn ra 4 giải thưởng chung cuộc: một giải nhất (20 triệu đồng), một giải nhì (10 triệu đồng), một giải ba (5 triệu đồng) và một giải trị giá 5 triệu đồng do chính độc giả bình chọn. Độc giả gửi bài dự thi tại đây.