Mỗi mùa xuân, thị trấn Qamsar lại biến thành một rừng hoa, với những bông hồng Damascus nở rộ, tỏa hương thơm ngát. Đây cũng là lúc người dân ở khu vực nhỏ bé này thu hoạch để chưng cất thành nước hoa hồng, cung cấp cho toàn thế giới.
Từ sáng sớm, người dân đã có mặt trên các cánh đồng hoa, nơi không khí buổi sáng tràn ngập hương hoa. Javad Jafari, một người dân trong thị trấn đang mải mê thu hoạch hoa. Bàn tay ông thoăn thoắt bẻ từng bông với sự thành kính, nâng niu trước khi thả chúng vào một miếng vải dài buộc từ eo lên cổ.
Giống nhiều người hái hoa hồng khác đang bận rộn trên cánh đồng xung quanh, Jafari bắt đầu công việc này từ khi là một cậu bé, đến nay đã gần 70 tuổi. Vào mỗi vụ thu hoạch, từ cuối tháng 5 đến giữa tháng 6, ông thường dậy từ 5h, cầu nguyện rồi đến cánh đồng. Đây cũng là thời điểm thị trấn đón lượng lớn du khách từ khắp nơi đổ về để xem những người nông dân thu hoạch, chưng cất nước hoa hồng.
Khi mặt trời lên cao cũng là lúc Jafari kết thúc công việc thu hoạch của mình, với 15 kg cánh hoa hồng mỗi ngày. Chúng được ông đưa đến nhà máy chưng cất của một người họ hàng. Nhà máy này tiêu thụ hàng tấn hoa hồng mỗi mùa, thành phẩm là nước hoa hồng và thảo dược.
Dù ngày nay có nhiều cách chưng cất nước hoa bằng máy móc, tại nhà máy ở thị trấn, mọi người vẫn dùng các phương pháp truyền thống. Alireza, con trai của ông chủ một nhà máy chưng cất, đỡ lấy túi hoa mà Jafari vừa thu hoạch cùng những người khác, rồi thả chúng vào một chậu đồng chứa 70 lít nước và nấu lên. Lượng nước chưng cất nhiều hay ít phụ thuộc vào việc bạn muốn dùng nước hoa thoang thoảng hay đậm đặc.
Bất chấp nền kinh tế khắc nghiệt ở Iran, ngành kinh doanh nước hoa hồng vẫn đang phát triển mạnh mẽ nhờ nhu cầu trong và ngoài nước ngày một tăng. "Chúng tôi kinh doanh rất tốt. Cách đây 50 năm, nơi đây chỉ có 5 nhà máy sản xuất nước hoa hồng. Giờ thì con số đã tăng gấp 4", Alireza nói.
Ngày nay, Qamsar là một trong những nơi sản xuất nước hoa hồng chính của Iran. Ngoài chưng cất, hoa hồng Damask còn được sử dụng trong ẩm thực, trị liệu. Người Ba Tư cũng sử dụng nước hoa hồng để chữa đau đầu và tưới lên những ngôi mộ mới của người chết. Tương truyền rằng nhà tiên tri Muhammad dùng nước hoa hồng để chữa bệnh và thanh tẩy cơ thể. Vì vậy, loài hoa này còn có tên gọi khác, lấy theo tên của Muhammad là hoa hồng Mohammadi. Cũng vì lý do trên mà người dân khi thu hoạch chúng thường tỏ thái độ tôn kính với những đóa hoa.
Hơn thế, nước hoa hồng Damask còn đóng vai trò quan trọng trong các nghi lễ tôn giáo. Mỗi năm, thánh đường Mecca ở Arab Saudi nhập nước hoa hồng từ Qamsar và xức quanh Kaaba (tòa nhà nằm trong trung tâm sân thánh đường) một năm hai lần.
Theo nghiên cứu của phó giáo sư, tiến sĩ Ali Nikbakht của đại học Isfahan (Iran), hoa hồng Damascus được trồng lần đầu tiên và sử dụng ở khu vực Qamsar cách đây 2.500 năm. Sự kết hợp giữa ánh mặt trời và khí hậu mát mẻ của vùng núi khiến thị trấn này trở thành nơi lý tưởng để hoa hồng phát triển. Những bông hồng Damask được trồng ở đây có chất lượng tốt nhất Iran.
Qamsar là một thị trấn ở miền trung Iran nằm cách Kashan khoảng 31 km về phía nam. Qamsar, cùng các thị trấn nhỏ khác là Niasar và Barzook ở tỉnh Esfahan, là nơi sản xuất nước hoa hồng chính ở Iran trong hơn 800 năm.
Vào nửa cuối tháng 5 hàng năm, lễ hội Hoa hồng và Nước hoa hồng lại được tổ chức rầm rộ tại Kashan, thu hút hàng nghìn khách du lịch mỗi ngày. Sự xuất hiện đông đúc của khách du lịch tại các khu vực này được đánh giá là có tác động tích cực đến nền kinh tế địa phương.
Tuy nhiên, hiện tại, do tình hình chính trị căng thẳng giữa Iran và Mỹ, nhiều hãng bay ở châu Âu, Á đã đổi đường bay và tránh qua không phận nước này. Du khách hiện nên thận trọng khi có ý định du lịch Iran.
Anh Minh (Theo Atlasobscura)