Thứ tư, 1/5/2024
Thứ sáu, 5/4/2024, 14:50 (GMT+7)

Thị trấn Ấn Độ nổi tiếng với nhiều xe cổ

Manebhanjyang ở Ấn Độ nổi tiếng với những chiếc xe cổ tuổi đời hơn 70 năm, nhiều chủ xe muốn có ngoại lệ để chúng tiếp tục tồn tại, phục vụ du khách.

Manebhanjyang, thị trấn nhỏ phía bắc Ấn Độ giáp Nepal, nổi tiếng những chiếc Land Rover cổ điển được người dân sử dụng trong đời sống thường ngày. Dòng xe này được thiết kế bởi kỹ sư trưởng của Rover Car Company, Maurice Wilks và sản xuất tại Solihull, gần Birmingham, Anh, ra mắt tại Amsterdam Motor Show năm 1948 - một năm sau khi Ấn Độ giành được độc lập.

Trong giai đoạn này, nhiều chủ trang trại chè người Anh ở thị trấn đã nhập khẩu xe để phục vụ cho công việc trồng chè tại Darjeeling, cách Manebhanjyang một giờ chạy xe.

Shahwar Hussain, một nhà sưu tập xe cổ, nói những con đường chạy qua vườn chè thời đó "rất tệ". Tuy nhiên, những chiếc xe này có thể dễ dàng chạy qua. Các nhà truyền giáo cũng thường sử dụng xe để di chuyển đến các khu vực đông bắc Ấn Độ.

"Không nơi nào nhiều Land Rover cổ như Manebhanjyang", ông nói và cho biết đang sở hữu chiếc Series 3 - được sản xuất từ năm 1971 đến năm 1985.

Chandan Pradhan, cư dân Manebhanjyang, cũng là chủ tịch Hiệp hội phúc lợi chủ sở hữu Singalila Land Rover, cho biết người dân thị trấn thường xuyên giao dịch với những người ở vùng cao. Trong quá khứ, họ thường dùng con la để vận chuyển nhu yếu phẩm như muối, gạo, bột mì, khoai tây.

Tuy nhiên, khi những chiếc xe địa hình này xuất hiện, người dân nhanh chóng nhận ra lợi ích của chúng trên những con đường có độ dốc lớn. Khi người Anh trở về nước vào những năm 1970, một số người dân thị trấn đã tham dự đấu giá để sở hữu loại ôtô này làm phương tiện vận tải.

Có thời điểm thị trấn sở hữu khoảng 300 chiếc xe. Chúng chứng tỏ được sự hữu dụng trong những chuyến đi đêm, vận chuyển nặng và kéo dài hàng giờ.

Pasang Tamang, cư dân thị trấn, vẫn nhớ những chuyến đi dài 7 tiếng để mang nhu yếu phẩm đến các làng khác. Con đường trong ký ức anh chỉ có đất, đá cuội và những con lạch chạy xuống sườn núi. Thời tiết miền núi khó lường khiến chặng đường gian nan hơn.

Pasang Tamang bên cạnh chiếc xe cổ của mình, tự hào kể về những chuyến đi qua vùng tuyết rơi dày đặc và các con đường bị phủ lớp băng đen - nỗi ám ảnh của người lái ôtô.

Ngày nay, các du khách muốn đến Sandakphu, ngọn núi ở Nepal, nổi tiếng với tầm nhìn ra dãy Himalaya, vẫn phải đi trên con đường chạy qua thị trấn này. Dù đoạn đường dài 31 km hầu hết được trải nhựa, họ vẫn cần những chiếc xe cổ hỗ trợ để lên đỉnh.

Anil Tamang, người từng chở khách du lịch đi khắp nơi trên chiếc xe cổ của mình, nói khách hàng ngày càng thích những chiếc xe đời mới, số ít chọn hoài cổ. Điều này khiến số lượng xe cổ giảm xuống, hiện còn khoảng 35 chiếc ở thị trấn.

Trong ảnh là khu vực biên giới giữa Ấn Độ và Nepal.

Qua thời gian, phụ tùng thay thế cho những chiếc xe cổ càng khó kiếm. Một số người vẫn đam mê với dòng xe này đã "chạy vội tới nơi" mỗi khi có tin ai đó định bán xe chỉ để mua được với giá rẻ và tháo dỡ chúng nhằm lấy đồ phụ tùng dự trữ.

Jagat Rana, thợ cơ khí ở Manebhanjyang, nói những người còn trung thành với chiếc xe cổ phải thực sự kiên nhẫn. Dù chúng rất chắc chắn, thời gian làm những chiếc xe trở nên cũ kỹ, dễ bị rò rỉ dầu, đặc biệt với người sử dụng hàng ngày.

Số phận của những chiếc xe cổ ở thị trấn càng bấp bênh từ năm 2018 khi tòa án địa phương ra lệnh loại bỏ dần dòng xe này khỏi danh mục xe thương mại do đã cũ.

Một số chủ sở hữu đã viết thư gửi tới chính quyền để xin một ngoại lệ, cho phép tiếp tục cấp giấy phép sử dụng tại địa phương cho mục đích du lịch. Dù cũ, chiếc xe vẫn được định giá 14.000 USD với những người muốn sở hữu bộ sưu tập xe cổ. "Nếu chính quyền thiếu động thái hỗ trợ, ngày thị trấn không còn chiếc xe cổ nào sẽ tới gần", Pradhan nói.

Hoài Anh (Theo SCMP)

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về dulich@vnexpress.net