Nói đến Colma không thể không nhắc tới cơn sốt vàng năm 1849. Thời điểm đó, thợ mỏ, thương nhân và người nhập cư từ khắp nơi trên thế giới đổ về San Francisco với mong ước đổi đời. Tuy nhiên, công cuộc tìm vàng khó khăn đã khiến hàng nghìn người tử vong do tai nạn. Một phần trong số đó qua đời vì dịch tả. Lượng người chết tăng quá nhanh khiến 27 nghĩa trang đều chật kín chỗ, ảnh hưởng nghiêm trọng tới quỹ đất của người sống.
Năm 1902, chính quyền San Fracisco ra lệnh cấm chôn cất trong thành phố, buộc các ngôi mộ phải chuyển ra vùng ngoại ô. Cuộc đấu tranh giữ người chết tại nơi yên nghỉ kéo dài nhiều thập kỷ. Năm 1942, chỉ có 2 nghĩa trang được phép đặt trong thành phố là San Francisco National Cemetery và Mission Dolores Cemetery. Hai địa điểm này vẫn được duy trì cho đến ngày nay nhưng không tiếp nhận thêm người mới.
Hơn 150.000 xác chết đã được chuyển từ San Francisco đến thị trấn nhỏ Colma ở phía nam thành phố. Thị trấn được thành lập vào năm 1892 với mục đích trở thành điểm chôn cất mới, đồng thời là nơi duy nhất trên thế giới người chết đông hơn người sống.
Hiện Colma có khoảng 1.800 cư dân sinh sống cùng 1,5 triệu người đang trong giấc ngủ vĩnh hằng tại 17 nghĩa trang. Colma vẫn ngày ngày là điểm chôn cất cư dân San Francisco. Ước tính có khoảng 75 người chết được chuyển tới thị trấn mỗi ngày.
Chính tỷ lệ người chết quá cao đã đem đến cho Colma một số danh hiệu như thị trấn im lặng, thị trấn của những linh hồn hay thành phố người chết. Tuy nhiên người dân Colma chưa bao giờ thấy phiền về điều đó. Họ thậm chí còn truyền tai nhau rằng: "Thật tốt khi được sống ở Colma".