Sau khi đọc bài "Một mình ông Lương sao sửa được hơn 330 bài thi trong 2 tiếng?" của độc giả Lê Mạnh, tôi cho rằng ông Lương có khả năng làm được điều này với sự chuẩn bị và tính toán chu đáo.
Trước hết, mọi người cần phải hiểu rõ quá trình chỉnh sửa điểm thi có thể diễn ra qua hai giai đoạn.
Giai đoạn 1: Chỉnh sửa file mềm (excel) các bài thi đã được scan của thí sinh theo đáp án được Bộ Giáo dục công bố, giai đoạn này hoàn toàn làm trên máy tính với một thao tác đơn giản copy - paste và chỉ mất khoảng 6s cho một bài thi cần chỉnh sửa.
Giai đoạn 2: Chỉnh sửa bản cứng (các bài làm giấy của thí sinh) bằng cách mở ổ khoá niêm phong, rút bài ở các túi, tẩy xóa và sửa theo đáp án đã chuẩn bị trước". Giai đoạn này được thực hiện trong khoảng thời gian từ 12h đến 14h38 ngày 27/06. Sau hai giai đoạn thì bài làm giấy của thí sinh (đã chỉnh sửa) và file mềm được sao lưu (đã chỉnh sửa) đều khớp nhau để chuẩn bị được chấm bằng phần mềm chấm trắc nghiệm do Bộ Giáo dục đưa xuống.
Ở giai đoạn 2, phát sinh nghi vấn trong khoảng thời gian "hơn 2 tiếng" làm sao một mình ông Lương có thể "tẩy xóa và sửa" hơn 330 bài thi giấy của các thí sinh? Nếu chúng ta đặt ngược lại vấn đề: không "tẩy xóa và sửa" mà "làm từ đầu" hoặc “làm một phần” 330 bài thi giấy trắng của các thí sinh thì sao?
Khi nhận được đáp án do Bộ Giáo dục đưa xuống, những người cố ý vi phạm có thể chuẩn bị những tấm bìa đục lỗ trùng với vị trí đáp án đúng tương ứng với từng mã đề (đây là cách chấm thi trắc nghiệm thủ công trước đây khi chưa có các phần mềm chấm thi tự động). Sau đó chỉ cần rà theo số báo danh của thí sinh, áp tấm bìa đúng với mã đề và đánh dấu toàn bộ bài làm theo các lỗ đã đục.
Với cách làm này, tôi nghĩ chỉ cần mất từ 10 đến 20 giây là có thể hoàn thành một bài làm trắc nghiệm mà không cần bận tâm đến quá trình “tẩy xóa và sửa”. Tương đương khoảng 55 đến 110 phút cho hơn 330 bài thi (thời gian thực hiện từ 12h đến 14h38 tương đương 158 phút) mà không cần người thứ hai hỗ trợ.
Chia sẻ bài viết của bạn tại đây.