Ông kể rằng ông từng sang Việt Nam và được chứng kiến một điều kỳ diệu: chúng ta đã thành công chiến dịch diệt giặc dốt. Từ đa số người dân không biết chữ, đất nước đã có trên 90% dân số biết chữ trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn. Tại sao chúng ta làm được điều đó? Vì chúng ta trung thực - ông lý giải.
Sau này, ông có dịp quay trở lai Việt Nam khi chúng ta đang tiến hành công cuộc "Đổi mới". Vấn đề ông quan tâm nhất vẫn là giáo dục. Ông có dự giờ một buổi thi của sinh viên của một trường đại học ở Hà Nội. Và ông thực sự kinh ngạc khi thấy sinh viên tự do mở tài liệu trong khi giám thị không có phản ứng gì. Ông có thắc mắc thì được trả lời: Đó là chuyện bình thường. Theo ông, đó là một sự lừa dối - "một tai họa".
Tuy nhiên ông cũng được an ủi phần nào khi nghe được câu nói của một vị giáo sư người Việt với con: "Bố mẹ có thể chấp nhận con điểm thấp, con không lên lớp nhưng bố mẹ không chấp nhận con quay cóp, con không trung thực".
Những gì vị giáo sư người Pháp viết hẳn làm ta suy nghĩ rất nhiều. Vâng, sợ nhất là sự lừa dối, là sự không trung thực. Dù đau xót nhưng cũng phải thú nhận một thực tế rằng: những gì vị giáo sư người Pháp viết có phần đúng sự thật - một sự thật cay đắng.
Hậu quả của những việc làm không trung thực như vậy thật tai hại vô cùng, nhãn tiền nhất là kết quả thi Tốt nghiệp thì cao còn kết quả thi ĐH thì thật kinh khủng như những năm qua. Xa hơn nữa chúng ta vô tình đã tạo ra "những công dân tương lai" có những đức tính xấu xa: hình thức, lừa dối, không trung thực...- "một tai họa".
Những gì vị giáo sư người Pháp viết đã khá lâu rồi nhưng nó vẫn mang tính thời sự đối với nền giáo dục nước ta hiện nay. Những năm qua khi nghe những con số cao chót vót về tỉ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông của các địa phương trên cả nước, hay cụ thể hơn là con số học sinh khá giỏi của lớp con/cháu... thì đa số chúng ta đều cảm thấy chẳng vui vẻ gì dù con số có cao. Bởi vì đó chỉ là những con số ảo, sự lừa dối mà thôi. Lạ ở đây là tất cả chúng ta đều chấp nhận điều dối trá này hàng bao nhiêu năm rồi. Nếu chúng ta không làm gì thì đến mỗi mùa thi chúng ta sẽ lại nghe thấy những chuyện như nâng điểm, gian lận thi cử.
Chúng ta có thể học tập nền giáo dục phát triển Phần Lan: hạn chế thi cử mà thay vào đó là những nhận xét, đánh giá của giáo viên đối với học sinh. Tuy nhiên việc này sẽ rất khó áp dụng với nền giáo dục gắn với thi cử hàng nghìn năm rồi của Việt Nam.
Bởi vậy trước mất chúng ta phải chấp nhận việc thi cử. Vấn đề quan trọng ở đây là làm thế nào để "học thật, thi thật" – nền tảng của một nền giáo dục trung thực.
Để có một nền GD trung thực thì tôi xin để xuất một số giải pháp sau:
1. Nên thi trực tuyến nhiều hơn nhằm đạt mục đích "Học thật, thi thật": Tại sao tôi lại đưa ra giải pháp này? Lý do thứ nhất: Công nghệ thông tin đã rất phát triển, việc tổ chức thi trực tuyến đã thuận lợi hơn rất nhiều, không tốn kém nhiều. Chẳng hạn ngồi ở lớp học ở Việt Nam có thể thi bài kiểm tra đánh giá năng lực SAT của Mỹ. Lý do thứ hai và cũng là lý do quan trọng nhất: Việc thi trực tuyến ít tiêu cực hơn, ít gian lận hơn.
Thật vậy: Khi thi trực tuyến, sau khi thí sinh nhập số báo danh, máy chủ sẽ đưa ra gửi cho thí sinh một số câu hỏi trong ngân hàng đề thi. Trong thời gian thi theo quy định, thí sinh phải làm những câu hỏi này (ví dụ như phần thi lý thuyết trong thi sát hạch lái xe). Hình thức thi này có thể vẫn có thể có tiêu cực nhưng do câu hỏi của các thí sinh nhiều, thường là không giống nhau, thời gian làm bài ít... nên việc gian lận thí sinh là rất khó khăn. Tiêu cực sẽ ít hơn là vì vậy. Công nghệ thông tin phát triển là cơ hội tuyệt vời để xây dựng một nền GD trung thực nhờ cách tiến hành thi trực tuyến.
2. "Kết quả thật". Điều này mọi người đã nói nhiều tuy nhiên tôi vẫn nói thêm ở đây vì Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) ngày 27/9/2018 được lấy ý kiến người dân. Trong đó, điều 32 liên quan đến việc xác nhận hoàn thành chương trình tiểu học, THPT và cấp văn bằng tốt nghiệp THCS, THPT. Theo dự thảo, học sinh học hết chương trình tiểu học, có đủ điều kiện theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ được hiệu trưởng xác nhận trong học bạ việc hoàn thành tiểu học. Học sinh THCS sẽ được Trưởng phòng Giáo dục cấp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh cấp bằng tốt nghiệp THCS. Học sinh THPT nếu đủ điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Giáo dục sẽ được dự thi THPT quốc gia. Nếu đạt yêu cầu, các em được Giám đốc Sở Giáo dục tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cấp bằng tốt nghiệp.
Trường hợp học sinh THPT đủ điều kiện dự thi, nhưng không dự thi hoặc thi không đạt, học sinh vẫn "được hiệu trưởng nhà trường cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông nếu có nhu cầu". Đây là điểm hoàn toàn mới so với Luật Giáo dục hiện hành.
Ở đây dự thảo có lẽ nên bổ sung thêm: Học sinh được hiệu trưởng nhà trường cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình tiểu học, trung học cơ sở, giáo dục phổ thông, hoặc kết quả học tập của các năm học của mình nếu có nhu cầu. Bởi vì chẳng hạn có người không học hết trung học phổ thông, chỉ học tới lớp 7 nhưng họ cần phải có kết quả lớp 6, 7. Cái kết quả này chính là "kết quả thật" của việc "học thật, thi thật" ở trên.
Kết quả thật của học sinh đó ở lớp 7 có thể là: Toán: 0, Văn: 8, Ngoại ngữ: 5... - với kết quả thực này thì bạn học sinh này sẽ biết mình là ai, có khả năng như thế nào, có thể làm công việc gì. Chứ còn cách cho điểm để đạt chỉ tiêu học sinh giỏi, tiên tiến... như hiện nay thì bản thân các em sẽ khó biết mình là ai, có khả năng gì.
Thế rồi các em sẽ khổ, gia đình khổ, giáo viên khổ, xã hội khổ. "Kết quả thật" nghe có vẻ là sẽ làm học sinh, thầy cô không cố gắng vì nhiều khi con số thảm hại quá. Nhưng với bản chất con người là luôn phấn đấu cho những điều tích cực hơn nên cả giáo viên và học sinh sẽ cố gắng.
Hơn nữa nhà trường cũng hoàn toàn có thể đưa ra chỉ tiêu phấn đấu cho cả học sinh và giáo viên. Chẳng hạn năm học này lớp 7A có 40 học sinh trong đó môn Toán có 20 em điểm dưới 3, 10 em dưới 4, 10 em dưới 5 ở lớp 6.
Mục tiêu của môn Toán năm học này là 10 em trên 5, 30 trên 4 chẳng hạn. Với chỉ tiêu này thì cả thầy và trò cùng phải cố gắng thôi vì bây giờ "thi thật" mất rồi. Bản thân tôi là người luôn trăn trở, tâm huyết với sự nghiệp giáo dục nước nhà thì tôi ủng hộ việc xã hội hóa, phổ cập giáo dục. Bởi vì theo tôi, khi các em đi học thì các em có thể không thu được nhiều kiến thức (tùy thuộc vào khả năng, hoàn cảnh...) nhưng các em cũng sẽ có cơ hội rèn luyện nhân cách của mình qua việc tiếp xúc, giao lưu với bạn bè, thày cô.
Tuy nhiên việc học của các em phải là "học thật, thi thật, kết quả thật". Lớp 9 mà em có thể đọc chưa tốt, toán chưa thông thì cũng phải ghi đúng "kết quả thật" trong học bạ hay giấy xác nhận. Như tôi biết thì ở Mỹ, học sinh học vừa sức, không nhồi nhét, không quan tâm đến thành tích và cũng không có khái niệm trường chuyên lớp chọn. Bằng cấp đối với họ chỉ là một tờ giấy chứng nhận rằng họ đã đạt yêu cầu về mặt kiến thức lẫn chuyên môn ở một trình độ nhất định, không có gì ghê gớm cả.
Cái họ quan tâm là trên thực tế, năng lực và kiến thức của anh có tương xứng với bằng cấp và vị trí của anh trong xã hội hay không.
Tôi đưa ra quan điểm: Nên thi trực tuyến nhiều hơn ở thời điểm này để giải quyết một vấn đề không mới của ngành giáo dục là xây dựng một nền GD trung thực bởi vì đây là giai đoạn chín muồi để thực thi điều này khi mà công nghệ thông tin đã rất phát triển để hỗ trợ thi cử, và điều quan trọng hơn là lòng dân. Cần thi trực tuyến nhiều hơn, ghi "kết quả thật" ở giấy xác nhận, bằng cấp để góp phần xây dựng một nền GD trung thực.
>>Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.