Sáng 25/6, Hà Nội trời mát mẻ, thí sinh tập trung trước điểm thi từ 6h để chuẩn bị bước vào môn thi bắt buộc đầu tiên - Ngữ văn. Tại điểm thi trường THCS Nghĩa Tân (Cầu Giấy), nhiều em có mặt từ sớm trong khi một số khác đến muộn, vội vàng vào phòng thi mà không kịp nhận sự động viên từ bố mẹ.
Giáp Vũ Nam Dương, cựu học sinh THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam tỏ ra hồi hộp trước môn Ngữ văn dù chỉ tham gia để xét tốt nghiệp THPT. "Sau buổi làm thủ tục hôm qua, em vẫn đi tới lớp học thêm môn Văn với hy vọng được trên 8 điểm môn này", Dương nói.
Em cho rằng Văn có quá nhiều bài, trong khi thí sinh không thể chắc chắn đề bài có ra một tác phẩm ở lớp 10 hay lớp 11 hay không và đề nghị luận xã hội có thể đem đến nhiều bất ngờ. Đã ôn kỹ tác phẩm Ai đã đặt tên cho dòng sông của Hoàng Phủ Ngọc Tường và Tây Tiến của tác giả Quang Dũng, Dương hy vọng câu nghị luận văn học chiếm nhiều điểm nhất sẽ rơi vào hai bài này.
Thí sinh Tuấn Dũng (Cầu Giấy) vui mừng khi Ngữ văn là môn thi đầu tiên bởi em không sử dụng môn này để xét tuyển đại học. "Em chỉ ôn Văn vừa đủ để đạt trên 5 điểm. Đối với học sinh học thiên về Khoa học tự nhiên như em, đó là mức điểm tốt, giúp em tự tin hơn ở những buổi thi tiếp theo", Dũng nói.
Tại TP HCM, hơn 71.000 thí sinh tham dự môn thi THPT quốc gia đầu tiên trong thời tiết mát mẻ. Ở điểm thi THCS Colette (quận 3), với gương mặt khá căng thẳng, Nguyễn Thị Thái Hà (cựu học sinh trường THPT Nguyễn Thị Hồng Gấm) cho rằng Ngữ văn là môn khó nhất bởi có quá nhiều nội dung phải học.
Hà mong câu nghị luận văn học đề sẽ ra câu hỏi về thơ. Thí sinh chỉ cần dựa vào nội dung thơ để bình giảng. "Nếu là câu văn xuôi thì hơi khó, em có thể phân tích được nhưng vấn đề là phải ghi đúng dẫn chứng, không đúng thì không có điểm", Hà nói.
Dự thi Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh và Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) với nguyện vọng vào Đại học Kinh tế Tài chính TP HCM, Nguyễn Ngọc Trâm (Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận 3) không đặt mục tiêu quá cao đối với môn thi đầu tiên. "Em nghĩ đề Văn năm nay sẽ theo quy luật một năm ra văn xuôi thì năm tiếp theo sẽ ra thơ. Nên khả năng năm nay sẽ ra thơ, em học kỹ hai bài Việt Bắc và Tây Tiến", Trâm vui vẻ nói.
Tại điểm thi THPT Marie Curie, nhiều thí sinh cười nói rôm rả, bàn luận về các khả năng ra đề của môn Văn năm nay. Là học sinh giỏi Văn, Trần Thị Thúy An tự tin đạt ít nhất 7 điểm môn này, bởi đã nắm vững kiến thức và nội dung toàn bộ các tác phẩm.
Theo An, với câu hỏi nghị luận, thí sinh cần viết gọn, rõ ràng, đi vào nội dung chính và có minh họa thực tế. Tương tự với câu đọc hiểu, đề hỏi gì trả lời nấy, không nên dài dòng để dành thời gian cho câu cuối. "Đọc hiểu và nghị luận xã hội em không tệ lắm, chắc chắn phải được 7-8 phần ở hai câu này. Phần nghị luận văn học hy vọng may mắn đúng tác phẩm yêu thích", An chia sẻ.
Hơn 12.600 thí sinh ở Khánh Hòa bước vào phòng thi môn Văn trong thời tiết oi bức. Bên ngoài các điểm thi, nhiều tình nguyện viên đặt dù, thùng đá ướp nước để tiếp sức cho các em.
Ở điểm trường Nguyễn Văn Trỗi tại Nha Trang, thí sinh Nguyễn Hoàng Vũ được người thân đưa đến phòng thi bằng chiếc xe lăn do em gãy chân tháng trước. Vũ được giám thị đặt bàn ghế phía trước phòng để có thể làm bài tốt nhất. "Em thi tổ hợp Toán, Lý, Hóa vào Đại học Nha Trang. Môn Văn em học không tốt, đã ôn luyện nhưng vẫn thấy lo lắng", Vũ nói.
Cạnh đó, chiến sĩ Trần Anh Khoa trường quân nhân công an tại ngũ tỏ ra thoải mái do lần thứ hai thi THPT quốc gia, đã ôn luyện rất kỹ. "Hy vọng môn Văn em làm bài tốt để lấy động lực cho các môn sau", Khoa nói.
Sau cơn mưa đêm qua, sáng nay thời tiết Đồng Nai mát mẻ. Học sinh TP Biên Hòa đến điểm thi khá sớm để tranh thủ ôn bài và chuẩn bị bước vào phòng thi. Phòng trường hợp đến trễ và quên giấy báo dự thi, một số trường tư thục cắt cử giáo viên chủ nhiệm cầm sẵn giấy dự thi và phát khi thí sinh đến điểm thi.
"Em thấy khá thoải mái khi được thầy cô giúp đỡ, không lo lắng chuyện quên thẻ này kia. Hy vọng môn Văn sáng nay suôn sẻ", một học sinh trường THPT Lê Quý Đôn thi tại điểm thi THPT Ngô Quyền cho biết.
Năm nay Đồng Nai có 27.000 thí sinh tham gia dự thi tại 60 điểm. Để đảm bảo an ninh, nhất là khâu lưu trữ đề và bài thi, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chi một tỷ đồng đầu tư camera giám sát. Nhiều trường THPT trang bị hệ thống camera an ninh nội bộ trong phòng thi, trước kỳ thi đã được yêu cầu vô hiệu hóa, ngắt kết nối Internet để tránh lộ đề thi ra ngoài. Các phòng làm việc không sử dụng được yêu cầu đóng cửa, niêm phong lại.
Như đã công bố từ trước, đề thi THPT quốc gia năm 2019 sẽ nằm trong chương trình THPT, chủ yếu thuộc lớp 12. Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho biết thêm, đề tiếp tục được xây dựng theo hướng đánh giá năng lực, có tính ứng dụng thực tiễn, không nặng về ghi nhớ số liệu, sự kiện hay trả lời theo khuôn mẫu có sẵn.
Đề thi sẽ có nhóm câu hỏi ở mức độ cơ bản để phục vụ xét tốt nghiệp THPT và có câu hỏi với độ khó phù hợp nhằm phân hóa kết quả thi, hỗ trợ công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng. Các câu hỏi trong đề được sắp xếp theo độ khó tăng dần giúp thí sinh thuận lợi khi làm bài.
Năm 2019, hơn 887.000 thí sinh cả nước sẽ tham dự kỳ thi THPT quốc gia để xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học, giảm gần 39.000 so với năm trước. Số đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên là hơn 653.000. Trong buổi làm thủ tục chiều 24/6, hơn 7.300 thí sinh đã không đến điểm thi. Theo quy chế, các em còn được tiếp tục đến làm thủ tục và dự thi vào sáng 25/6.
Để được xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh THPT phải dự thi bốn bài, trong đó ba bài độc lập, bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một bài do thí sinh tự chọn trong số hai bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội. Thí sinh học chương trình Giáo dục thường xuyên cấp THPT dự thi ba bài, gồm hai bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn và một bài tự chọn trong hai bài thi tổ hợp.
Thí sinh được đăng ký dự thi cả hai bài thi tổ hợp, điểm bài nào cao hơn sẽ được chọn để tính xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Ngọc Tâm - Tuấn Tùng