Sáng 25/6, 87.000 thí sinh cả nước bước vào môn thi đầu tiên - Ngữ văn, trong kỳ thi THPT quốc gia. Thầy Đỗ Đức Anh, giáo viên trường THPT Bùi Thị Xuân (TP HCM) chia sẻ một số "bí kíp" giúp thí sinh lấy lại bình tĩnh và làm bài tốt.
Đề thi môn Ngữ văn THPT quốc gia gồm ba phần: Đọc hiểu, nghị luận xã hội và nghị luận văn học.
Ở phần đọc hiểu, học sinh nên chú ý các dạng câu hỏi sau:
- Xác định phương thức biểu đạt, phong cách ngôn ngữ, thao tác lập luận: Cần gọi tên chính xác thao tác, phương thức biểu đạt, phong cách ngôn ngữ. Nếu đề hỏi "phương thức biểu đạt nào là chính?" thì chỉ được phép trả lời duy nhất một đáp án.
- Xác định biện pháp tu từ: Phải gọi tên chính xác một hoặc một vài biện pháp tu từ, đồng thời đưa dẫn chứng đi kèm.
- "Theo tác giả...?": Học sinh tìm đáp án ở trong văn bản.
- "Anh chị có đồng tình với quan điểm... trong bài viết hay không? Vì sao?": Cần xác định rõ, trả lời ngay rằng đồng tình hay không đồng tình hoặc vừa đồng tình vừa không đồng tình và phải đưa ra được lý do.
- "Anh chị hiểu như thế nào về vấn đề sau đây?": Nên trình bày nhiều cách hiểu dưới nhiều góc độ, sau đó chốt lại quan điểm bản thân về vấn đề đó.
Thí sinh thường làm phần đọc hiểu rất vội, rất nhanh để chuyển sang phần làm văn. Đó là tâm lý sai lầm bởi phần này rất quan trọng, cần làm chắc chắn để đảm bảo được điểm tối đa.
Để "đọc" mà "hiểu", thí sinh cần đọc chậm rãi, kết hợp gạch chân dưới những câu, những từ quan trọng. Lưu ý, khi làm bài, tốt nhất nên làm theo đúng thứ tự câu, trả lời ngắn gọn, đúng vào trọng tâm của câu hỏi.
Ở phần nghị luận xã hội, có những lưu ý sau:
- Cần tránh việc viết bài văn thu nhỏ, nên viết đoạn văn có cấu trúc rõ ràng (diễn dịch, hoặc quy nạp, tổng phân hợp). Dung lượng không quá ngắn cũng không quá dài, đừng viết quá một trang giấy thi (20-25 câu là độ dài phù hợp).
- Triển khai vấn đề cần nghị luận trực tiếp. Câu đầu tiên phải chứa từ khóa của đề. Chỉ cần sử dụng một hoặc một vài thao tác lập luận.
- Trong bài nghị luận xã hội không thể thiếu dẫn chứng. Phải có ít nhất một cái tên hoặc một câu danh ngôn nổi tiếng làm dẫn chứng cho bài làm. Bài không có dẫn chứng sẽ không có tính thuyết phục.
Với phần nghị luận văn học, phải đảm bảo yêu cầu bố cục 3 phần (mở bài, thân bài, kết bài). Để được điểm cao ở phần này, học sinh cần viết một cách sâu sắc, có nhiều ý sáng tạo, thể hiện được cách cảm nhận tinh tế.
Với bài đã có lý luận và phân tích sâu, nếu có liên hệ, so sánh với những đoạn văn, câu văn hoặc câu thơ trong các tác phẩm khác thì bài viết sẽ có độ rộng. Bài vừa có độ rộng vừa có độ sâu thì sẽ đạt được điểm số cao hơn.
Tuy nhiên, khi viết so sánh, liên hệ thì chỉ nên viết sơ lược, ngắn gọn, không sa đà vào phân tích kỹ phần so sánh nếu đề không yêu cầu.
Ngoài kiến thức và nội dung, học sinh cần chú ý một số vấn đề về hình thức trình bày:
- Trả lời gọn gàng: Trường hợp đề yêu cầu viết đoạn văn ngắn (3-5 dòng) thì viết thành đoạn, nếu đề không yêu cầu, học sinh có thể gạch ý (đối với phần đọc hiểu).
- Trình bày lần lượt từng câu một. Tránh trường hợp ghi thiếu, đánh một dấu chữ "V", sau đó bổ sung ở chỗ khác.
- Trình bày bài làm cụ thể, đầy đủ. Nếu không đẹp được thì phải rõ ràng, chỉnh chu.
Đỗ Đức Anh