Ngày 11/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố điểm thi THPT quốc gia. Từ nhiều ngày trước, Phạm Quyền Linh (Hà Nội) liên tục đọc báo để cập nhật tình hình chấm thi. Cụm thi Hà Nội chưa tiết lộ thông tin gì về điểm khiến chàng trai 18 tuổi hồi hộp.
Năm nay, Linh đăng ký nguyện vọng 1 (khối D) vào Đại học Thương mại, ngành Quản trị du lịch. Thi xong, em tính toán điểm Toán, Ngữ văn, tiếng Anh có thể đạt tổng là 21-22, cao hơn nhiều bạn khác nên kỳ vọng đỗ vào đại học tốp cao hơn là Kinh tế quốc dân.
"Môn Toán, tiếng Anh em đã tính điểm khá sát nên dự kiến điểm chính thức sẽ không biến động gì. Giờ em chỉ trông đợi mỗi Ngữ văn vì điểm môn này còn phụ thuộc vào quan điểm của từng người chấm nên không biết cao thấp ra sao. Nếu đạt điểm Văn cao, em sẽ ngay lập tức điều chỉnh nguyện vọng vào Đại học Kinh tế quốc dân, vừa là trường tốp trên lại gần nhà", Linh nói.
Cựu học sinh trường THPT Lý Thái Tổ chia sẻ, rất mong muốn đỗ vào đại học tốp đầu để vừa khẳng định bản thân, vừa chứng minh cho nhiều người thấy học sinh trường dân lập không kém cỏi. Trước đó, để chuẩn bị cho kỳ thi "quyết định tương lai", từ lớp 11 nam sinh đã miệt mài học trên lớp, tự học, học thêm một tuần 2 buổi tiếng Anh, một buổi Ngữ văn.
Tại Bắc Giang, Vũ Thị Quỳnh cũng hàng ngày tìm kiếm thông tin về tình hình chấm thi của tỉnh mình. “TP HCM có những thống kê rất cụ thể nhưng em chưa tìm được một chút tin tức nào liên quan đến Bắc Giang. Điều này khiến em khá lo lắng”, Quỳnh nói.
Sử dụng tổ hợp Toán, Văn và Anh để xét tuyển nguyện vọng vào Đại học Ngoại thương, Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) và Học viện Ngân hàng, Quỳnh hồi hộp chờ ngày công bố điểm thi khi môn Văn không thể tự chấm.
“Đề mở, cách chấm cũng mở. Nếu giọng văn của mình không hợp với người chấm thi thì cũng có khả năng điểm không cao nên em rất mong ngóng kết quả”, Quỳnh nói và cho biết đã sốt ruột hỏi cô giáo dạy Văn, cũng là người chấm thi, về điểm môn Văn, nhưng không nhận được câu trả lời vì "cô không thể tiết lộ".
Quỳnh chia sẻ hôm đi thi về, ngồi tra đáp án môn Toán và tiếng Anh, em run run dò từng con chữ. Các trường em đăng ký nguyện vọng đều có điểm chuẩn đầu vào năm ngoái thuộc tốp cao. Bố mẹ Quỳnh cũng lo lắng, liên tục hỏi em khi nào công bố điểm thi để cùng theo dõi.
Nhận được thông tin 7h sáng mai sẽ có điểm thi của Bắc Giang, Quỳnh đã tìm hiểu và lên danh sách sẵn các kênh, trang báo mạng có thể tra cứu nhằm tránh nghẽn mạng. Dù đoán trước được điểm các môn trắc nghiệm, Quỳnh vẫn phải chờ điểm để xem có chính xác không, đề phòng trường hợp phúc khảo điểm thi.
Xét tuyển đại học khối A1 với ba môn Toán, Lý và tiếng Anh, Cao Ngọc Yến (Phú Thọ) đã dự đoán được trên 20 điểm ngay sau khi Bộ Giáo dục công bố đáp án. Dù có theo dõi và nắm bắt được tình hình chấm thi của Phú Thọ, nữ sinh này không có ý định chờ xem điểm từ sáng sớm. Tuy nhiên, Yến lại rất trông chờ thông tin về phổ điểm sẽ được công bố bởi nó giúp em nắm được khả năng trúng tuyển vào các trường đã đăng ký nguyện vọng.
Yến đăng ký 4 nguyện vọng vào Đại học Kinh tế quốc dân và hai nguyện vọng và Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội). Yêu thích trường Kinh tế quốc dân hơn nhưng điểm chuẩn thấp nhất của trường này năm ngoái ở mức 23 khiến Yến không khỏi lo lắng.
“Đề thi năm nay được đánh giá khó hơn năm ngoái nhưng chưa có kết quả chính thức và phổ điểm thì chưa thể nói trước điều gì. Em chỉ hy vọng ngày mai sẽ có phổ điểm của tất cả môn để theo dõi, qua đó dự đoán ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của trường”, Yến nói.
Trịnh Kim Chi (Thanh Hóa) phải học thêm mỗi tuần 6 buổi cho 3 môn thi xét tuyển đại học là Toán, Ngữ văn và tiếng Anh. Cựu học sinh trường THPT Vĩnh Lộc (huyện Vĩnh Lộc) đạt học lực giỏi lớp 12 này được đặt nhiều kỳ vọng sẽ đỗ nguyện vọng 1 vào khoa Kế toán, Học viện Ngân hàng.
Tổng điểm thi khối D nữ sinh này dự tính là 20-21 nhưng cập nhật tình hình điểm thi các địa phương mà báo chí đưa tin, Chi hơi lo khi thấy vẫn nhiều bạn đạt điểm tốt. "Năm ngoái, khoa Kế toán của Học viện Ngân hàng lấy 23,25 điểm nhưng năm nay đề thi khó hơn, không biết trường có giảm điểm chuẩn không", nữ sinh quê Thanh Hóa nói. Em dự tính nếu điểm cao hơn mức dự đoán, sẽ điều chỉnh nguyện vọng sang Đại học Kinh tế quốc dân.
Bố mẹ của Kim Chi mấy hôm nay cũng sốt sắng hỏi con gái về thời gian công bố điểm thi THPT quốc gia, cách thức nào để xem được điểm. Áp lực và lo lắng, nữ sinh 18 tuổi không dám tra cứu điểm từ buổi sáng vì sợ gây thất vọng, tạo không khí căng thẳng cho cả gia đình.
Các mốc tuyển sinh đại học thí sinh cần lưu ý.
Hoàn thành bài thi Toán khá tốt, song Nguyễn Thị Minh Thư (quận 3, TP HCM) sau khi tự chấm lại các bài thi ở khối A thấy cánh cửa vào Đại học Kinh tế TP HCM đã chật hơn. "Em rất mê ngành Kinh tế nên có thể theo học ngành này ở một trường khác với điểm chuẩn thấp hơn. Đây là lần thi thứ hai nên em chỉ có chút hồi hộp đợi điểm thi để điều chỉnh nguyện vọng", Thư nói.
Nhiều thí sinh khác, với học lực giỏi ở các trường THPT tốp trên tại TP HCM cũng cho biết, rất ngóng điểm thi. Nguyễn Đức Huy (quận 6, TP HCM) cho biết, điểm thi khối A sau khi tự dò đáp án là 26,5 - vừa đủ đậu vào ngành Kỹ thuật Hóa học của Đại học Bách khoa TP HCM nếu xét theo điểm chuẩn năm ngoái.
"Năm nay, điểm thi có vẻ thấp hơn nên em hy vọng điểm chuẩn ngành này không tăng hoặc giảm đôi chút, cộng thêm với điểm thi chính thức vào ngày mai cao hơn so với điểm em tự chấm thì quá tốt", Huy chia sẻ.
Mấy hôm nay, ông Phạm Mạnh Cường (quận Bình Thạnh) thấp thỏm không yên vì thông tin ban đầu về điểm thi được mạng xã hội bàn tán xôn xao. Đến hôm qua, khi kết quả sơ bộ điểm thi tại TP HCM được công bố, người cha thấy bối rối bởi trái với những dự báo trước đó, môn Toán lại có phổ điểm tương đối khá với khoảng 70% thí sinh đạt điểm trên trung bình.
Năm nay, con gái ông Cường đăng ký nguyện vọng 1 vào ngành Ngôn ngữ Anh Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP HCM). Nhờ một giáo viên Văn ở lớp học thêm "chấm" thử bài Văn theo lời kể của con gái ra kết quả 6-7 điểm. Trong khi đó, với môn Toán và Anh, dò theo đáp án của Bộ Giáo dục thì nữ sinh lần lượt được 6 và 8 điểm.
"Tính ra, tổng điểm khối D của cháu chỉ đạt chừng 20-21 điểm, so với điểm chuẩn năm ngoái còn thua xa, huống chi điểm chuẩn năm nay nghe chừng sẽ tăng", ông lo lắng rồi ra quyết định sẽ chuyển nguyện vọng học ngành này của con sang trường lấy điểm chuẩn ngành này năm 2017 thấp hơn là Đại học Sài Gòn hoặc Đại học Nông Lâm.
"Dù vậy tôi cũng rất hồi hộp chờ điểm ngày mai vì biết đâu có một tia hy vọng mới, điểm Văn của cháu sẽ khá hơn. Thực sự với đề thi năm nay thì mọi kết quả đều khó lường", ông Cường chia sẻ.
Tại Phú Yên, thí sinh Hứa Thành Hậu cho biết ban đầu đăng ký nguyện vọng 1 vào Đại học Giao thông Vận tải TP HCM, nguyện vọng 2 vào Đại học Kinh tế Đà Nẵng. Theo dõi tình hình chấm điểm thi thấy một số tỉnh khá thấp nên em có chút lo lắng. "Em tự chấm thì được chừng 21 điểm, vẫn kiên trì với các nguyện vọng đã chọn. Rất hồi hộp chờ công bố điểm nên em sẽ canh trên mạng, có điểm khi nào là tìm tên mình ngay", Hậu nói.
Kỳ thi THPT quốc gia 2018, cả nước có hơn 900.000 thí sinh dự thi, tăng gần 60.000 so với năm trước. Số thí sinh đăng ký chỉ để xét tốt nghiệp là 237.320; vừa xét tốt nghiệp THPT vừa xét tuyển đại học là 642.370. Để được xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh THPT phải dự thi 4 bài, trong đó 3 bài độc lập, bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một bài do thí sinh tự chọn trong số 2 bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội. Thí sinh học chương trình Giáo dục thường xuyên cấp THPT dự thi 3 bài, gồm 2 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn và một bài tự chọn trong 2 bài thi tổ hợp. Đề thi THPT quốc gia năm nay được thí sinh đánh giá là khó và phân hoá hơn năm trước, đặc biệt môn Toán nhiều em phải khoanh bừa đáp án. Vì thế, dự đoán số lượng điểm 9-10 năm nay sẽ ít. |