Ông Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết đã tổ chức 4 đợt thi đánh giá năng lực với gần 43.800 thí sinh dự thi. Điểm trung bình thí sinh đạt được là 75,2 trên thang điểm 150. So với cùng kỳ năm ngoái, mức này giảm 2,4 điểm.
Số thí sinh đạt từ 100 điểm trở lên chiếm 4,4%. Chỉ 5 em đạt từ 120 điểm trở lên. Trong đó, thí sinh đạt điểm cao nhất là 129.
"Kết quả thống kê các đợt thi đầu tiên cung cấp thông tin quan trọng cho các trường đại học xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào phù hợp", ông Thảo nói, nhận định phổ điểm các đợt thi phân bổ chuẩn và ổn định.
Hiện, 74 trường đại học, học viện cho biết sẽ dùng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội để xét tuyển. Nhiều trường đã công bố điểm sàn cho phương thức này ở mức 75-85.
Năm nay, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức 8 đợt thi đánh giá năng lực từ giữa tháng 3 đến đầu tháng 6. Số lượt thí sinh đăng ký dự thi đến hiện tại cho cả 8 đợt đạt gần 89.000.
Đề thi đánh giá năng lực năm nay gồm ba phần: Tư duy định lượng (Toán học), Tư duy định tính (Ngữ văn - Ngôn ngữ) và Khoa học (Tự nhiên - Xã hội). Mỗi phần thi có 50 câu hỏi. Tổng thời gian thi 195 phút.
Trong 150 câu hỏi, 132 câu là dạng trắc nghiệm bốn lựa chọn với một đáp án đúng, 18 câu điền đáp án (15 câu Toán, ba câu Lý, Hóa, Sinh). Kiến thức được hỏi chủ yếu thuộc chương trình lớp 12.
Nhiều thí sinh phát hiện đề thi phần Ngữ văn - Ngôn ngữ có sự trùng lặp giữa các đợt thi, gây lo ngại gian lận thi cử. Phía trường lý giải việc lặp ngữ liệu không có nghĩa là lặp câu hỏi. Tỷ lệ lặp câu hỏi mỗi đợt là dưới 0,5%.
Với những câu được một số nhóm luyện đề chia sẻ trên mạng xã hội, Đại học Quốc gia Hà Nội đã xác minh và sẽ rút khỏi ngân hàng đề những câu có nội dung giống trên 50%.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2022, các trường dành hơn 30.000 chỉ tiêu xét tuyển từ điểm của các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy. Tỷ lệ nhập học theo phương thức này chiếm khoảng 2% tổng số thí sinh nhập học của tất cả phương thức.