Theo học khối D01 (Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh), Tuấn Anh, học sinh lớp 12 ở Hưng Yên, chia sẻ đang phân vân giữa nhóm ngành Dịch vụ như Du lịch, Quản trị khách sạn, nhà hàng và nhóm ngành Kinh tế. "Gia đình muốn em theo học Kế toán hay Tài chính - Ngân hàng bởi cho rằng ngành nghề này ở đâu cũng cần, nhưng em lại thích các ngành Dịch vụ vì nghĩ môi trường làm việc sẽ thoải mái hơn", Tuấn Anh nói và cho biết đang phải tìm hiểu thêm cơ hội nghề nghiệp của nhóm ngành dịch vụ để thuyết phục bố mẹ.
Cũng vì đang phân vân ngành học, dù thời gian đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT đã trôi qua một tuần, Tuấn Anh vẫn chưa làm hồ sơ. Em dự định đăng ký 6-7 nguyện vọng. Nếu vẫn không thể thuyết phục bố mẹ, em sẽ đăng ký một nửa số nguyện vọng theo nhóm ngành Kinh tế.
Một học sinh trường THPT Thanh Oai A (Hà Nội) cũng chưa điền thông tin nguyện vọng vào đơn đăng ký thi tốt nghiệp THPT. Nam sinh muốn theo ngành Luật nhưng gia đình và bạn bè khuyên học ngành Kỹ thuật, đặc biệt là Công nghệ thông tin bởi cơ hội việc làm cao. "Một chị hàng xóm học Luật ra trường chưa tìm được việc khiến bố mẹ em lo lắng", nam sinh nói, hy vọng có được thông tin đầy đủ để về thuyết phục gia đình.
Nhiều thí sinh đặt câu hỏi cho ban tư vấn tuyển sinh "học ngành gì để không thất nghiệp". GS Nguyễn Tiến Thảo, Phó ban đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết cách đây 4 năm, các thầy trong ban tư vấn đã nói "Ngành nào bây giờ đang nhiều người thất nghiệp nhất thì 4 năm sau sẽ có cơ hội việc làm hơn, đó là quy luật". Tuy nhiên, thí sinh cần căn cứ vào sở trường để chọn ngành nghề phù hợp.
"Chỉ khi bạn chọn ngành nghề theo sở trường, ngành mình mong muốn hướng đến thì mới có động lực cố gắng và khả năng thành công cao hơn so với việc chỉ chăm chăm chọn một ngành có cơ hội việc làm", ông Thảo nói.
Nói về từng nhóm ngành cụ thể, ông Đào Trọng Độ, Vụ phó Đào tạo thường xuyên, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội), cho biết hiện nhu cầu về nhân lực dịch vụ khách sạn rất lớn vì Chính phủ muốn đưa du lịch trở thành ngành kinh tế chủ lực. Cơ hội làm việc tại các tập đoàn đầu tư du lịch rất lớn, trải dài nhiều trình độ.
Khối quản trị nhà hàng, khách sạn đang rất thiếu nhân lực bậc trung và bậc cao. Các trường du lịch chuyên biệt của bộ, tập đoàn, thành phố đầu tư rất nhiều. Mức thu nhập khởi điểm nếu làm ở vị trí quản lý khách sạn 5 sao từ 1.000 đến 2.000 USD. Vì vậy, thí sinh yêu thích nhóm ngành này có thể yên tâm lựa chọn.
PGS Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng Quản lý đào tạo Đại học Ngoại thương, lại gợi ý học sinh có thể tham khảo ngành Logistics (ngành hậu cần). "Đưa hàng hóa từ người sản xuất đến người tiêu dùng là quá trình rất phức tạp. Với nền kinh tế áp dụng công nghệ, ngành này giúp cung ứng hàng hóa trên thế giới thuận lợi hơn", bà Hiền nói.
Đại diện Đại học Ngoại thương cho rằng đây là ngành giao thoa kinh tế và kỹ thuật, cung cấp cơ hội việc làm rất tốt. Hơn nữa, việc các trường lồng ghép chương trình học với chứng chỉ quốc tế, giúp cơ hội nghề nghiệp của thí sinh ngày càng cao, có thể làm việc tại các công ty có quy mô quốc tế, chuyên nghiệp.
Với khối ngành Kỹ thuật, nhiều học sinh quan tâm đến ngành kỹ thuật ôtô khi những ôtô "made in Vietnam" đầu tiên đã ra đời. PGS Nguyễn Thanh Chương, Phó hiệu trưởng Đại học Giao thông Vận tải, khuyên thí sinh quan tâm và có mơ ước hãy cứ mạnh dạn lựa chọn theo mơ ước. Nhiều cựu sinh viên Giao thông Vận tải có chuyên môn tốt về cơ khí ôtô, công nghệ ôtô đang có vị trí việc làm rất tốt, thậm chí nhiều bạn trở thành chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ.
TS Đồng Ngọc Văn, Hiệu trưởng Cao đẳng Cơ điện Hà Nội, cho biết thời gian qua, nhiều đại học, cao đẳng tăng cường kết hợp với doanh nghiệp để đào tạo sinh viên. Ví dụ, trường Cơ điện Hà Nội đã ký kết hợp tác với VinFast. Sinh viên học theo chương trình hợp tác này sẽ có việc làm ngay sau khi ra trường với mức lương khởi điểm cao (15-20 triệu đồng). Trường cũng cam kết sinh viên ra trường không có việc làm sẽ hoàn trả học phí.
Ở khối ngành Xã hội, có học sinh lăn tăn việc học ngành Lịch sử hay Văn học liệu có xin được việc làm? Ông Nguyễn Văn Hồng, Phòng Quản lý đào tạo Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, khẳng định những ngành học này có vai trò cực kỳ quan trọng trong đời sống xã hội. Sinh viên Lịch sử có thể làm việc tại các cơ quan quản lý văn hóa, trung tâm, di tích, bảo tàng.
"Khi vào học, các em sẽ được học kiến thức nền tảng về lịch sử của Việt Nam và thế giới. Các em không nên quá lo lắng về tương lai nghề nghiệp trong ngành này", ông Hồng nói.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 diễn ra ngày 9-10/8. Từ ngày 15 đến 30/6, các em đăng ký dự thi. Thí sinh là học sinh lớp 12 đang theo học tại các trường THPT sẽ mua và nộp hồ sơ đăng ký dự thi trực tiếp tại các trường. Thí sinh tự do có thể mua hồ sơ tại nhà sách lớn hoặc Phòng Giáo dục và Đào tạo của quận, huyện và nộp tại các điểm nhận hồ sơ do Sở Giáo dục và Đào tạo địa phương quy định.
Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2020 do báo Tuổi trẻ TP HCM, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cùng Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức. Ban tổ chức dự kiến đón 10.000 học sinh, phụ huynh tham gia.