Theo ông Quang, từ ngày 30/6, Việt Nam cấm xuất khẩu cát xây dựng. Thế nhưng cát vẫn bị tuồn ra nước ngoài núp dưới danh nghĩa xuất khẩu sắn lát. Hiện tại thuế xuất khẩu hàng nông sản (trong đó có sắn lát) là 0%, mặt khác mặt hàng sắn lát thuộc luồng xanh (ưu tiên miễn kiểm tra) nên dễ dàng vượt trạm các cửa khẩu cảng biển cũng như đường bộ. Khi nghi ngờ thì hải quan mới chuyển lô hàng nông sản sang luồng vàng để kiểm tra chi tiết hồ sơ. Nếu phát hiện gian lận nghiêm trọng mới chuyển sang luồng đỏ để kiểm tra thực tế hàng hóa.
Trước đây khi chưa có lệnh cấm thì mặt hàng cát xuất khẩu phải chịu 17% thuế tài nguyên. “ Có thể trước lệnh cấm này, một số doanh nghiệp lách luật đưa cát ra nước ngoài bằng cách trộn vào sắn lát để trốn thuế”, ông Quang nhận định.
![]() |
Người dân đang thu hoạch sắn dù chưa đến mùa. Ảnh: Trí Tín |
Theo giá thị trường hiện nay trung bình mỗi kg sắn lát phơi khô xuất bằng đường bộ sang Trung Quốc có giá 3.700 đồng; còn xuất qua cảng Quy Nhơn bằng đường tàu biển khoảng 3.500 đồng. “Trong khi đó nếu tính theo giá mỗi mét khối cát nhiễm mặn (cát biển) xuất sang nước ngoài có giá khoảng 9 USD. Nếu xuất khẩu cát xây dựng thì giá cả sẽ tăng hơn nhiều so với giá của cát biển”, một doanh nghiệp từng xuất khẩu cát tiết lộ với VnExpress.net.
Ông Huỳnh Tấn Lợi, Giám đốc Sở Công Thương Quảng Ngãi cho biết, Sở đã chỉ đạo phòng thương mại thành lập đoàn công tác phối hợp với Sở Công thương tỉnh Bình Định để tiến hành kiểm tra, chấn chỉnh tình trạng trộn lẫn cát vào sắn lát xuất khẩu.
Ông Lợi cho biết: "Từ trước đến nay, Quảng Ngãi chưa phát hiện trường hợp nào trộn sắn lát với tạp chất cát xây dựng quá nhiều như thế này”.
Còn khoảng hai tháng nữa mới đến kỳ thu hoạch cây sắn nhưng những ngày này người dân ở thôn Độc Lập, xã Tịnh Ấn Tây, huyện Sơn Tịnh, lại đổ xô bán củ sắn tươi tại ruộng cho tư thương. Vì thấy lợi nhuận trước mắt, nên gia đình bà Nguyễn Thị Hai cũng đã bán hai sào mì chưa đến độ tuổi cho thu hoạch.
“Nếu năm ngoái mỗi tấn sắn tươi bán tại ruộng được 400.000 đồng đến 500.000 đồng, thì năm nay được giá đến 900.000 đồng. Nếu xén mì lát phơi khô thì bán cho tư thương đến 1,6 triệu đồng một tấn. Nếu tôi đợi đến vài tháng nữa sợ rớt giá sẽ không thu được bao nhiêu”, bà Hai phân bua.
Trước tình trạng nhà nông "ăn non" sắn, ông Nguyễn Ngọc Thanh, Phó chủ tịch xã Tịnh Ấn Tây, huyện Sơn Tịnh, đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc để ngăn chặn làn sóng trộn cát vào sắn.
"Nếu kéo dài tình trạng này, người dân sẽ phải chịu hậu quả. Người ta e ngại không mua sắn lát nữa thì chắc chắn giá sẽ rớt, đời sống gặp nhiều khó khăn”, ông Thanh lo lắng nói. Trồng sắn là nghề nghiệp chính của người dân xã này.
Còn ông Nguyễn Tăng Bính, Giám đốc Sở Tài Nguyên- Môi trường Quảng Ngãi thì nêu quan điểm: “Dù bất cứ dưới hình thức nào, nếu đã bị cấm thì doanh nghiệp cũng không được phép bán cát ra nước ngoài. Các cơ quan chức năng ở các cảng biển, cửa khẩu cần kiểm soát chặt chẽ vấn đề này, nếu phát hiện hàng hóa có nguồn cát không hợp pháp thì cần phải xử lý nghiêm”.
Hiện Công an tỉnh Quảng Ngãi cũng đã vào cuộc để điều tra.
Trí Tín