Học viện Báo chí và Tuyên truyền tuyển sinh trong cả nước bằng cách xét tuyển theo 3 nhóm ngành căn cứ kết quả thi THPT quốc gia. Thí sinh tham dự xét tuyển cần thỏa mãn điều kiện: Có kết quả xếp loại học lực từng năm học trong 3 năm THPT đạt 6 trở lên; Hạnh kiểm 3 năm THPT xếp loại Khá trở lên; Điểm trung bình các môn thi THPT quốc gia đạt 6 trở lên (theo thang điểm 10).
Thí sinh đăng ký thi ngành Báo chí phải thi thêm môn Năng khiếu báo chí. Môn này có bài thi trắc nghiệm (3 điểm) gồm 30 câu hỏi với thời gian làm bài 30 phút, mục đích là kiểm tra hiểu biết chung về các vấn đề đời sống xã hội. Phần thứ hai là bài thi tự luận (7 điểm) gồm 2 câu hỏi với thời gian làm bài 120 phút.
Cụ thể, câu 1 (3 điểm) nhằm đánh giá năng lực xử lý, biểu đạt thông tin và sử dụng ngôn ngữ trong xây dựng, hoàn thiện văn bản. Dạng thức đề thi có thể là cung cấp một văn bản báo chí có lỗi sai (về quan điểm chính trị, cấu trúc văn bản, về tính logic, về văn phong, về cách sử dụng ngôn từ…) yêu cầu thí sinh sửa chữa và hoàn thiện văn bản theo cách của mình.
Câu 2 (4 điểm) sẽ đánh giá năng lực phát hiện vấn đề và thể hiện quan điểm cá nhân. Dạng thức đề thi có thể là cung cấp thông tin về một vấn đề, một sự kiện, yêu cầu thí sinh viết một bài luận tối đa là 500 từ.
Tổng thời gian làm bài thi Năng khiếu báo chí là 150 phút. Bài kiểm tra Năng khiếu do Học viện ra đề và tổ chức chấm thi.
Học viện Báo chí và Tuyên truyền xác định điểm trúng tuyển theo ngành, chuyên ngành dựa trên tổng điểm các môn thi quy định cho từng nhóm ngành xếp từ cao xuống thấp. Các môn thi thuộc nhóm ngành 1, nhóm ngành 2 tính hệ số 1, môn Tiếng Anh thuộc nhóm ngành 3 tính hệ số 2.
Các ngành phân như sau: Ngành Triết học gồm 2 chuyên ngành: Triết học Mác – Lênin; Chủ nghĩa xã hội khoa học. Ngành Kinh tế gồm 2 chuyên ngành: Kinh tế chính trị Mác - Lênin; Quản lý kinh tế. Ngành Chính trị học gồm 7 chuyên ngành: Quản lý hoạt động tư tưởng - văn hóa; Chính trị phát triển; Quản lý xã hội; Tư tưởng Hồ Chí Minh; Văn hóa phát triển; Chính sách công; Khoa học quản lý nhà nước.
Ngành Báo chí gồm 7 chuyên ngành: Báo in; Ảnh báo chí; Báo phát thanh; Báo truyền hình; Quay phim truyền hình; Báo mạng điện tử; Báo chí đa phương tiện. Ngành Quan hệ quốc tế gồm 2 chuyên ngành: Thông tin đối ngoại; Quan hệ chính trị và truyền thông quốc tế.
Khi đăng ký dự thi, thí sinh cần đăng ký mã chuyên ngành dự thi.
* Cụ thể chỉ tiêu và môn thi của từng nhóm ngành
Nhóm ngành 1: Học viện nhận hồ sơ xét tuyển ngay sau khi có kết quả thi THPT quốc gia và sẽ kết thúc nhận hồ sơ trước 10 ngày so với thời hạn xét tuyển đợt 1 theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (dự kiến kết thúc nhận hồ sơ vào ngày 10/8).
Trường dự kiến tổ chức thi môn Năng khiếu báo chí vào ngày 12/8, công bố danh sách thí sinh trúng tuyển dự kiến vào ngày 15/8. Trả hồ sơ đăng ký xét tuyển cho thí sinh không trúng tuyển ngành Báo chí dự kiến từ 16-20/8 (dự kiến 5 ngày cuối theo lịch xét tuyển đợt 1 của Bộ Giáo dục và Đào tạo) để những em không đỗ có thể rút hồ sơ để đăng ký vào trường khác (nếu có nhu cầu).
Nhóm ngành 2, nhóm ngành 3 thì quy trình xét tuyển, hồ sơ và thời gian xét tuyển theo quy định của Bộ Giáo dục. Sau khi công bố kết quả xét tuyển đợt 1, nếu còn chỉ tiêu Học viện sẽ thông báo lịch xét tuyển đợt 2.
Sinh viên học các chuyên ngành đào tạo giảng viên lý luận chính trị (Triết học, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Kinh tế chính trị, Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Tư tưởng Hồ Chí Minh) được miễn học phí. Thí sinh dự thi các chuyên ngành này không nói ngọng, nói lắp, không bị dị tật về ngoại hình.
Thí sinh dự thi chuyên ngành Quay phim truyền hình phải có sức khỏe tốt, không mắc các bệnh, dị tật về mắt, ngoại hình phù hợp (nam cao 1m65, nữ cao 1m60 trở lên).
Hoàng Thùy