Sáng 10/8, thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT sẽ làm bài tổ hợp Khoa học xã hội với 3 môn Lịch sử, Địa lý và Giáo dục công dân. Thạc sĩ Nguyễn Thị Huyền Thảo, giáo viên Lịch sử trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP HCM) lưu ý thí sinh một số vấn đề khi làm bài.
Từ năm 2017, các môn Khoa học xã hội trong đó có Lịch sử đã thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan. Để làm tốt môn thi này, thí sinh chịu khó đọc thật kỹ, thật chậm các câu hỏi, sau đó gạch chân từ khoá, rồi đọc lại các từ khoá và các mồi nhử trong các lựa chọn. Các bạn nên loại suy các câu trả lời sai, gần đúng rồi chọn câu đúng nhất.
Các câu hỏi yêu cầu thí sinh lựa chọn câu trả lời đúng nhất là dạng chủ yếu xuất hiện trong bài thi trắc nghiệm. Trong 4 phương án gây "nhiễu" (A, B, C, D) có thể có nhiều phương án đúng, nhưng chỉ có một phương án đúng nhất, đầy đủ nhất, quan trọng và quyết định nhất.
Ví dụ:
Thuận lợi cơ bản nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sau khi Cách mạng tháng Tám 1945 thành công là:
A. Hệ thống XHCN trên thế giới đang hình thành, nguồn cổ vũ to lớn cho cuộc đấu tranh của nhân dân.
B. Có Đảng Cộng sản Đông Dương và Hồ Chí Minh lãnh đạo nên nhân dân rất tin tưởng.
C. Nhân dân đã giành được quyền làm chủ nên rất phấn khởi, sẽ ủng hộ cho cách mạng.
D. Phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới đang lên cao.
Đáp án: B
Thông thường bài thi sẽ có độ phân hoá từ câu 30 đến 40, thí sinh cố gắng làm chắc và kỹ 20 câu đầu thì điểm 5 không quá khó.
Từ câu 20 đến 30 thông thường sẽ có những câu yêu cầu kỹ năng hiểu, vận dụng thấp. Đối với những câu này, phương pháp loại suy dần được sử dụng để loại đi 50/50 và còn hai phương án để các bạn lựa chọn.
Câu 30 đến 40 thường là những câu so sánh, điểm giống, khác của hai sự kiện lịch sử, hai dữ liệu nên thí sinh cần đọc thật kỹ và chọn đáp án. Đây là những câu cần đến phương pháp loại suy, thí sinh nên sử dụng phương pháp này để làm bài.
Trong đó sẽ có các dạng câu hỏi yêu cầu lựa chọn ý phủ định, thí sinh lưu ý chọn câu sai chứ không phải câu đúng. Thông thường, các em hay bị nhầm lẫn ở dạng này.
Ví dụ:
Ý nào sau đây không đúng về ý nghĩa lịch sử của Hiệp định Paris năm 1973 về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam?
A. Đây là thắng lợi của sự kết hợp đấu tranh quân sự, chính trị với ngoại giao của nhân dân ta
B. Hoàn thành Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nhiệm vụ đánh cho "Mỹ cút", đánh cho "Nguỵ nhào"
C. Là kết quả của cuộc đấu tranh kiên cường, bất khuất của quân dân hai miền đất nước
D. Mỹ phải công nhận quyền dân tộc cơ bản của nhân dân ta, rút hết quân về nước.
Đáp án: B
Khi làm bài, thí sinh làm được câu nào thì tô ngay câu đó, đừng để đáp án trên đề và để tô sau. Điều này khiến các em không phân bố thời gian hợp lý đến cuối giờ, cuống cuồng khoanh "đại" và tô không đúng đáp án do đề thi bị thu lại. Phương châm là làm cho chắc và tô cho chắc.
Bài thi có 50 phút dành cho 40 câu, thí sinh nên phân bố thời gian hợp lý để dành lại 10 phút cuối đọc, dò, kiểm lại các đáp án đã tô. Thí sinh cần đếm kỹ xem đã làm đủ 40 câu chưa, tránh tính trạng tô không đúng ô, hoặc bị lệch câu trả lời.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay được tổ chức thành hai đợt. Đợt một ngày 8-10/8 theo đúng kế hoạch. Đợt hai dành cho các thí sinh ở Đà Nẵng, một số nơi đang giãn cách xã hội ở Quảng Nam và các thí sinh thuộc diện F1, F2. Thời gian thi do các địa phương đề xuất, khi đã kiểm soát được Covid-19.
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT sẽ làm 3 bài bắt buộc gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một bài tự chọn là Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội. Trừ Ngữ văn, các bài thi còn lại đều được ra dưới hình thức trắc nghiệm. Kết quả thi được dùng để xét công nhận tốt nghiệp THPT và là cơ sở để xét tuyển đại học.
Nguyễn Thị Huyền Thảo