Sáng 27/6, thí sinh dự thi THPT quốc gia sẽ làm bài tổ hợp Khoa học xã hội với ba môn Lịch sử, Địa lý và Giáo dục công dân. Cô Nguyễn Thị Huyền Thảo, giáo viên Lịch sử trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP HCM) tư vấn cách làm bài môn này.
Môn Lịch sử thi trắc nghiệm theo hướng phân hóa và đánh giá năng lực nên đề thi sẽ trải dài, rộng và bao quát toàn bộ chương trình học. Theo đề thi minh họa và định hướng ôn tập của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đề sẽ tập trung phần lớn ở kiến thức lớp 12, trong đó lịch sử thế giới chiếm 20%, lịch sử Việt Nam 80%.
Thí sinh cần tập trung ôn tập các vấn đề cơ bản, nổi bật của chương trình học theo chủ đề hay giai đoạn phân kỳ để nắm được đặc điểm và tiến trình của lịch sử. Qua đó thấy được mối liên hệ của lịch sử thế giới, tác động, ảnh hưởng đến lịch sử Việt Nam. Ở phần lịch sử thế giới, học sinh nên ôn tập theo chủ đề để dễ hệ thống kiến thức.
Trong quá trình làm bài, thí sinh rất dễ bị nhầm lẫn giữa các chiến dịch và chiến lược cách mạng, điểm giống khác nhau giữa các chiến lược trong giai đoạn 1954-1975. Để tránh bị nhầm về thời gian, nội dung sự kiện ở các giai đoạn lịch sử, học sinh nên lập niên biểu sự kiện theo bảng biên niên, ghi ý nghĩa bên cạnh để dễ nhớ, dễ hiểu.
Đối với các sự kiện lịch sử tiêu biểu, học sinh cần nắm chắc ý nghĩa và tác động của nó. Phần "Đổi mới đất nước" thường bị thí sinh bỏ qua vì thuộc phần cuối chương trình, nhưng trong các đề thi vẫn có.
Ngoài ra, thí sinh dễ mắc sai lầm nhất là khi không đọc kỹ dữ liệu trong câu hỏi, dễ bị các "mồi nhử" thông tin trong phương án đánh lừa bởi cách diễn đạt bằng từ đồng nghĩa. Nên nhớ, ở dạng thi trắc nghiệm, cùng một dữ liệu sẽ có nhiều cách hỏi và mỗi cách hỏi sẽ có một đáp án tương ứng.
Có hai trường hợp dễ nhầm lẫn, thí sinh cần lưu ý.
Thứ nhất, những câu hỏi có nội dung dài, đáp án gần như giống nhau, các em cần đọc đi đọc lại thật chậm, kỹ để tránh bị "lừa" và vội vàng lựa chọn đáp án.
Ví dụ:
Nhận xét nào dưới dây là đúng về cuộc Cách mạng tháng 8 năm 1945 ở Việt Nam?
A. Đây là cuộc cách mạng bạo lực dựa vào lực lượng chính trị là chủ yếu.
B. Đây là cuộc cách mạng giải phóng dân tộc có tính chất dân chủ điển hình.
C. Đây là cuộc cách mạng giải phóng dân tộc có tính chất nhân dân sâu sắc.
D. Đây là cuộc cách mạng giải phóng dân tộc bằng phương pháp bạo lực.
Đáp án: C.
Thứ hai, các em cần lưu ý dạng câu hỏi: "...không...?". Lẽ ra nên chọn câu trả lời sai thì các bạn lại chọn câu trả lời đúng. Trường hợp này, để chọn được đáp án chính xác nên dùng phương pháp loại suy, câu nào sai là đáp án.
Ví dụ:
Biểu hiện nào dưới đây không phản ánh đúng xu thế phát triển của thế giới từ khi Chiến tranh lạnh chấm dứt đến năm 2000?
A. Các quốc gia đều tập trung lấy phát triển kinh tế làm trọng điểm.
B. Hòa bình, hợp tác và phát triển là xu thế chủ đạo của thế giới.
C. Các nước lớn điều chỉnh quan hệ theo hướng đối thoại, thỏa hiệp.
D. Trật tự thế giới đơn cực được xác lập trong quan hệ quốc tế.
Đáp án là D, bởi câu này đề cập đến trật tự, các câu còn lại là xu thế phát triển của thế giới.
Các em có 50 phút làm bài nên cần cẩn thận. Khi làm bài nên đọc qua các câu hỏi, chọn đáp án câu dễ trước, câu khó để lại làm sau. Những câu hỏi khó, yêu cầu khả năng vận dụng cao thường nằm ở câu 35 đến câu 40.
Năm 2018, một số câu hỏi trong đề Sử, từ khóa không nằm ở vế đầu của câu hỏi mà ở vế thứ hai. Do đó, các bạn vội vàng chọn đáp án theo từ khóa đầu sẽ sai.
Ngày 25-27/6, hơn 887.000 thí sinh cả nước sẽ tham dự kỳ thi THPT quốc gia để xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học. Số đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên là hơn 653.000. Thí sinh sẽ thi 5 bài, gồm: Toán, Văn, Ngoại ngữ, hai bài tổ hợp Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội, trong đó trừ Văn thi tự luận, các môn còn lại thi trắc nghiệm.
Nguyễn Thị Huyền Thảo