Trao đổi với báo chí chiều 17/6, ông Đào Công Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Lao động ngoài nước cho biết, thông tin từ Đại sứ quán ta tại Angola, hiện có khoảng 40.000 công dân Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại nước này. Họ được một số người Việt tại Angola “mua lại” giấy phép tuyển dụng lao động nước ngoài của các chủ thầu xây dựng (chủ yếu là chủ thầu Trung Quốc) để đưa lao động sang đây.
Tuy nhiên, khi sang đến Angola, những người này lại không làm việc cho chủ sử dụng là các nhà thầu đứng tên trong visa lao động mà làm việc cho các cá nhân và doanh nghiệp khác. Như vậy, theo quy định của luật pháp Angola, họ thành lao động bất hợp pháp và khi phát hiện sẽ bị phạt 1.000 USD và bị trục xuất. Bên cạnh đó, có nhiều công dân sang Angola bằng visa hợp pháp với mục đích du lịch hoặc thăm thân, nhưng khi sang đến Angola thì tìm cách hợp pháp hóa giấy tờ để ở lại kiếm việc làm.
Theo lãnh đạo Cục quản lý lao động ngoài nước, việc quản lý xuất cảnh của công dân thuộc trách nhiệm của Bộ Công an. Theo quy định về xuất cảnh, công dân có hộ chiếu hợp lệ, được phía Angola cấp visa thì được xuất cảnh hợp pháp.
Lao động Việt Nam làm việc trong nhà máy ở Malaysia. Ảnh: HT. |
Việc bảo hộ, quản lý công dân ở nước ngoài đối với các đối tượng đi theo các hình thức trên đây thuộc trách nhiệm của Cơ quan đại diện Việt Nam tại nước sở tại. Công dân phải đăng ký tại cơ quan đại diện để được theo dõi và bảo vệ. Mặc dù phần lớn số công dân này không đăng ký công dân với Đại sứ quán Việt Nam tại Angola nhưng Đại sứ quán vẫn thông qua cộng đồng để nắm tình hình và bảo vệ khi công dân gặp khó khăn.
Để khảo sát, đề xuất các biện pháp hữu hiệu để bảo vệ tốt hơn quyền lợi hợp pháp của công dân ta làm việc tại Angola, Bộ Ngoại giao và Bộ Công an cũng cử đoàn cán bộ sang công tác tại Angola trong nửa đầu tháng 6.
Trong thời gian chưa ký được Hiệp định hợp tác lao động giữa Việt Nam và Angola, Bộ Lao động vẫn chỉ đạo các doanh nghiệp xuất khẩu lao động tìm các hợp đồng bảo đảm các điều kiện đối với người lao động để đưa lao động đi. Việc đưa lao động đi phải bảo đảm chủ sử dụng lao động có tư cách pháp nhân tại Angola và được cơ quan có thẩm quyền của Angola cấp giấy phép tuyển dụng lao động nước ngoài và trực tiếp sử dụng người lao động khi họ sang làm việc.
Người lao động phải được bảo đảm về việc làm và thu nhập ổn định, các chế độ về bảo hiểm y tế, bảo hiểm lao động và các điều kiện sinh hoạt cơ bản khác theo pháp luật của Angola và Việt Nam. Do chưa có doanh nghiệp nào đáp ứng được những yêu cầu nêu trên, nên trước đây chưa được Bộ chấp thuận đưa lao động sang làm việc tại Angola.
"Vừa rồi, Bộ đã phối hợp với Đại sứ quán thẩm định và đã cho phép thí điểm thực hiện một hợp đồng đưa lao động sang Angola với số lượng 50 người. Đại sứ quán đang kiểm tra để cho phép thực hiện thí điểm tiếp một hợp đồng khác", lãnh đạo Cục cho hay.
Hiện nay, Việt Nam đã ký kết được nhiều hiệp định, thỏa thuận về hợp tác lao động với Malaysia, Hàn Quốc, Đài Loan, Lào, Ca-ta, Nga, Bungary, Slovakia, các tiểu vương quốc Ả-Rập thống nhất (UAE), Kazakhstan, bang Saskatchewan của Canada, Belarus, Nhật Bản và Đức.
Trước tình trạng xuất khẩu lao động chui, bỏ rơi lao động gia tăng, Bộ đã phối hợp với các cơ quan liên quan trình Quốc hội ban hành Luật xử lý vi phạm hành chính, trong đó đề xuất nâng mức xử phạt tối đa với vi phạm trong xuất khẩu lao động lên 200 triệu đồng (mức hiện hành là 40 triệu đồng).
Từ năm 2007 đến nay, Bộ đã xử phạt vi phạm hành chính đối với nhiều doanh nghiệp, trong đó phạt tiền 86 lượt, tạm đình chỉ hoạt động xuất khẩu lao động 6 tháng với 2 doanh nghiệp, tạm đình chỉ thực hiện hợp đồng đối với 8 đơn vị, phạt cảnh cáo đối với 85 doanh nghiệp...
Hiện có 8 Ban quản lý lao động ở nước ngoài có nhiệm vụ quản lý và bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, xử lý các vấn đề phát sinh. Tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong 5 tháng đầu năm 2013 là hơn 32.200 người.
Hoàng Thùy