* Cuộc sống của lao động Việt Nam tại Malaysia |
Cuối tháng 10, Việt Nam đã sang thu nhưng Malaysia vẫn nắng nóng bởi khí hậu nhiệt đới ấm quanh năm. Giấu đi nỗi nhớ chồng và con nơi quê nhà, chị Trịnh Thị Huyền (Tĩnh Gia, Thanh Hóa) tươi cười đón đoàn công tác sang thăm. Chị cho biết, ngày quyết định đi xuất khẩu lao động, làm việc ở nhà máy may Esquel (bang Penang), con chị mới hơn một tuổi. Đến nay, con đã học lớp 2 chị chưa một lần về thăm.
"Tôi cũng định về nhưng khi hỏi tiền vé máy bay thì đắt quá nên lại thôi vì nghĩ mình đi làm ăn, cố gắng chịu khó, chịu khổ một chút nhưng tiết kiệm được tiền để cải thiện cuộc sống. May mắn là con vẫn nhớ mặt mẹ vì hàng tuần tôi đều nói chuyện với con qua mạng Internet", chị Huyền cho hay.
Cũng sang Malaysia làm việc, chị Nguyễn Thị Bạch Tuyết (TP Cần Thơ) đã 10 năm chưa về thăm quê. Từng làm ở công ty may gần nhà nhưng lương thấp nên chị quyết định đi lao động ở ngoài nước. Công ty chị làm thuộc tập đoàn lớn, chế độ đãi ngộ tốt nên chị quyết định ở lại cho hết hợp đồng 10 năm mới trở về.
"Thời gian đầu sang đây tôi cũng giúp gia đình bớt khó khăn. Lúc đi tôi đã 24 tuổi, gần 10 năm miệt mài làm việc nên vẫn chưa lập gia đình. Đầu năm sau hết hợp đồng, tôi sẽ về nhà tính chuyện riêng", chị Tuyết tâm sự.
Công nhân Việt làm việc trong các nhà máy. Ảnh: HT. |
Vì mưu sinh, chị Phạm Thị Lụa (Nam Định) đành xa gia đình. Từng sang Malaysia một lần 4 năm, sau khi kết thúc hợp đồng về nhà, chị lại xin đi tiếp vì hai con đang tuổi ăn học, một cao đẳng, một học cấp 3 khiến kinh tế gia đình cạn kiệt. "Làm xa nhà buồn lắm. Nhiều lúc đi làm về, dọn bữa cơm tối ra mà chẳng nuốt được vì nhớ chồng, thương con. May mà các cháu đã lớn, có thể tự chăm sóc và còn có bố bảo ban nên tôi phần nào yên tâm", chị Lụa tâm sự.
Từng làm việc ở các công ty trong nước, nhưng những phụ nữ trên vẫn quyết định từ bỏ để ra nước ngoài lao động. Chị Huyền cho hay, thời điểm chị đi lương ở nhà chỉ được hơn 1 triệu đồng, nhưng khi sang Malaysia chị được trả 4 triệu đồng. Sáu năm làm ở bộ phận may, mỗi ngày làm 10 tiếng, sáng xe đón đến chỗ làm, chiều đưa về, ăn uống tiết kiệm chị cũng dành dụm và gửi về nhà được 600 triệu đồng.
"Tôi chưa về phép lần nào nhưng nghe nói giá cả ở nhà đắt đỏ lắm. Ngày trước làm ở TP HCM tiền lương chỉ đủ trang trải thuê nhà, nước, điện và nuôi con, giờ công ty bao hết, tôi định kiếm thêm chút đỉnh nữa rồi về phép, sau đó lại qua", chị Huyền tâm sự.
Chị cho biết, chỗ chị ở là tòa nhà nhiều tầng do công ty thuê, cách chỗ làm khoảng 25 phút đi xe buýt. Lúc chị đi chồng vẫn còn làm phụ hồ, nhưng nhờ tiền chị gửi về, anh đã mua máy móc, đi học thêm và nay đã là chủ thầu xây dựng nên cuộc sống gia đình cũng đã khá hơn.
Còn chị Nguyễn Thị Bạch Tuyết cho hay, chị luôn xác định đi là để làm kinh tế nên không đua đòi ăn chơi. Chị cũng nói chuyện với những em mới sang rằng phải biết tiết kiệm và tính toán thì mới tích lũy được. Đi làm về nghỉ ngơi, vui chơi giữa các chị em với nhau, sáng ra nấu cơm đem đi ăn trưa, chiều về lại tự nấu ăn nên không tốn kém.
"Công ty làm 8 tiếng, tăng ca 2 tiếng, đôi khi hàng cần gấp thì tăng ca thêm 2 tiếng nữa. Ở đây có nhiều cặp vợ chồng cùng đi làm kinh tế, chồng đi trước rồi đón vợ qua sau hoặc ngược lại. Malaysia không đòi hỏi nhân lực trình độ cao nên chúng tôi chỉ cần liên hệ với công ty môi giới, làm thủ tục rồi sang làm, vừa làm vừa học tiếng", chị Tuyết nói.
Công nhân Việt Nam vui vẻ đi xem văn nghệ do đoàn văn công Phòng không Không quân biểu diễn. Ảnh: HT. |
Hiện cung cấp công nhân cho 400 nhà máy trên toàn Malaysia (trong đó 70% là người Việt Nam), ông Ong Wei Seng, Giám đốc công ty môi giới ở Malaysia cho biết, hiện các công ty thường ưu tiên nhận nữ lao động Việt Nam. Theo ông, nam công nhân Việt Nam thông minh nhưng lười và hay trốn ra ngoài làm bất hợp pháp, còn nữ thì vừa thông minh vừa chăm chỉ nên được chủ sử dụng yêu thích.
Ngoài ra, theo ông Ong Wei Seng, khi có vấn đề xảy ra trong công việc thì nam công nhân Việt Nam không đến gặp chủ, nêu ý kiến, bàn bạc, thảo luận mà chọn đình công hoặc không đi làm, trốn đi... Tất cả làm cho vấn đề thêm nghiêm trọng, trong khi đó nếu có thể nói với chủ, cùng ngồi lại nói chuyện thì sẽ được giải quyết nhanh hơn.
Hiện tại ở Malaysia, công nhân Việt Nam chủ yếu là lao động phổ thông nên thu nhập thấp hơn so với thị trường khác. "Tôi cho rằng công nhân Việt Nam nên đến Malaisia bằng con đường chính thức để tránh những rắc tối. Từ năm 2013, tình hình tuyển dụng lao động sẽ tốt hơn vì nguồn cung cao hơn do lương tối thiểu tăng và phí môi giới ở đây cũng thấp hơn những thị trường khác trong khu vực", ông Ong Wei Seng nói.
Ông Ea Leong Yap, Giám đốc nhân sự Công ty Green Point (bang Kedah) cho biết, công ty ông sản xuất linh kiện điện tử, làm việc theo tiêu chuẩn của bạn hàng châu Âu và Mỹ. Vì vậy, mỗi tháng công ty chỉ cung cấp không quá 104 giờ làm thêm. Sang năm 2013, khi Malaysia thực hiện mức lương mới cho người lao động với mức thấp nhất 900RM mỗi tháng (tương đương 6,3 triệu đồng), họ sẽ hài lòng hơn, cùng với đó thì thời gian làm thêm sẽ giảm đi.
Cuối tháng 10, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia tổ chức chương trình ca nhạc "Tiếng hát quê hương" nhằm nâng cao đời sống văn hóa và tinh thần của người lao động Việt Nam đang làm việc tại đây. Tại Malaysia, công nhân Việt Nam có khoảng 65.000 người làm việc trong hơn 350 doanh nghiệp, thuộc các lĩnh vực: điện, điện tử, may mặc, găng tay y tế, sản xuất đồ dân dụng, cơ khí, chế biến gỗ... Theo Cục Lao động ngoài nước, Việt Nam bắt đầu đưa lao động sang làm việc tại Malaysia từ năm 2002. Từ đó đến nay, đã có khoảng 190.000 lao động Việt Nam sang làm việc. Malaysia là thị trường không yêu cầu cao về chất lượng lao động, chi phí trước khi đi thấp, phù hợp với lao động ở các vùng nông thôn. Thu nhập bình quân của lao động tại Malaysia từ 900 đến 1.100 RM mỗi tháng (tương đương 6,3 triệu đến 7,7 triệu đồng). Do phần lớn lao động được trả lương theo sản phẩm nên đối với những người có kinh nghiệm làm việc, năng suất lao động cao, thì thu nhập cao, có trường hợp thu nhập 2.000-3.000RM/tháng (tương đương 14-21 triệu đồng). |
Hoàng Thùy