![]() |
Giá thép tăng nằm ngoài dự báo của các nhà hoạch định chính sách. |
Phát biểu với báo giới ngày 15/6 - thời điểm Bộ Tài chính có quyết định tăng thuế thép nhập khẩu từ 0% lên 5% và 10% để bảo hộ doanh nghiệp trong nước (hiệu lực 1/7) - Thứ trưởng Bộ Công nghiệp Đỗ Hữu Hào cho biết, sẽ yêu cầu các doanh nghiệp ngành thép tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp về kỹ thuật và quản lý. Trong đó, ông Hào yêu cầu các công ty áp dụng các biện pháp tiết kiệm chi phí sản xuất để giá thép không tăng trở lại.
Theo ông Hào, trong khi chờ hoàn chỉnh và trình dự thảo Quy chế điều hành thị trường thép xây dựng trong nước, các doanh nghiệp cần nghiên cứu mở rộng mạng lưới phân phối, trong đó chú trọng mở rộng hệ thống chi nhánh, cửa hàng, nhà sản xuất để nâng cao tỷ lệ tiêu thụ trực tiếp đến người sử dụng; công khai giá bán; tính toán bảo đảm sự cân đối, hợp lý giữa các kênh phân phối, không bán số lượng lớn qua doanh nghiệp thương mại trung gian... Ngoài ra, ông đề nghị Hiệp hội Thép Việt Nam chỉ đạo các đơn vị thành viên có sự phối hợp chặt chẽ duy trì hoạt động kinh doanh và sản xuất bình thường không vì áp thuế nhập khẩu mà tăng giá bán bất hợp lý. VSC cần tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt, tham gia tích cực vào việc điều tiết giá cả thị trường, gương mẫu trong việc kiềm chế giá.
Sau đó, theo yêu cầu của VSC các đơn vị trong ngành cũng đã cam kết cùng nhau giữ bình ổn thị trường thép.
Thế nhưng chỉ khoảng nửa tháng sau quyết định nâng thuế nhập khẩu có hiệu lực, giá thép trong nước lại diễn biến theo chiều hướng xấu: các doanh nghiệp đồng loạt "rủ nhau" tăng giá. Theo bản khảo sát giá mới nhất của Hiệp hội Thép, các doanh nghiệp trong ngành đã tăng ít nhất 300.000 đồng/tấn so với trước đó. Thép cây hiện lên tới mức 8,2 triệu đồng/tấn, thép cuộn xấp xỉ 8 triệu đồng. Mức giá này đã tăng trung bình 1,5 triệu đồng/tấn.
Trong 6 tháng đầu năm, các doanh nghiệp thuộc VSC đã đạt mức lợi nhuận trên 150 tỷ đồng, tăng 85% so với cùng kỳ. Trong đó Công ty Gang thép Thái Nguyên đạt lợi nhuận gần 45 tỷ đồng, Công ty Thép miền Nam đạt lợi nhuận là 40 tỷ đồng. Các đơn vị liên doanh với VSC cũng đạt mức lợi nhuận khá, tới 253 tỷ đồng, tăng gần 80% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó các liên doanh về cán thép đạt lợi nhuận 150 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái. |
Hai đơn vị lớn trong ngành là Công ty Gang thép Thái Nguyên và Thép miền Nam của Tổng công ty Thép Việt Nam (VSC) cũng đã tăng giá sau một tháng cam kết không nâng giá theo "yêu cầu" của VSC. Lý giải về việc tăng giá thêm 200.000 đồng/tấn (đưa giá bán lẻ trung bình lên 7,3 triệu đồng đối với thép cây). Ông Hoàng Văn Tòng, Phó tổng giám đốc thép Thái Nguyên, giải thích, doanh nghiệp này đang sử dụng phôi nhập khẩu hồi 380-420 USD/tấn để sản xuất do vậy mức giá trên chỉ giúp họ hòa vốn chứ không có lãi. Các doanh nghiệp khác cũng cho rằng do họ phải sử dụng phôi nhập khẩu giá cao 400-420 USD/tấn để sản xuất nên mới tăng giá bán.
Việc tăng giá của các doanh nghiệp đã khiến cho các cơ quan quản lý hoàn toàn bất ngờ, bởi trước đó theo nhận định của Bộ Công nghiệp nguồn cung trong nước không hề thiếu, kể cả thời điểm sốt thép khi giá lên đến hơn 9 triệu đồng/tấn, lượng dự trữ và sẵn sàng cung ứng cho thị trường vẫn cao gấp hơn 2 lần mức tiêu thụ bình thường của cả nước trong 1 tháng. Còn Bộ Tài chính cũng cho rằng sau khi nâng thuế, giá thép cũng không tăng bởi giá cả là do cung cầu quyết định.
"Lượng cung tính đến 31/7 là 989.000 tấn, trong khi nhu cầu cả nước ước đến 31/8 chỉ khoảng 900.000 tấn", ông Quách Đức Pháp, Vụ trưởng Chính sách Thuế (Bộ Tài chính) nói.
Việc các doanh nghiệp phá vỡ những cam kết trong bình ổn giá đã trái ngược hoàn toàn với dự báo của các chuyên gia về việc giá thép sẽ khó tăng do các doanh nghiệp phải đẩy mạnh tiêu thụ nhằm thu hồi vốn.
Những nguyên nhân trên cho thấy rõ ràng đang có hiện tượng doanh nghiệp ngành thép đang "rủ nhau" tăng giá để trục lợi, thay vì phải củng cố lại hệ thống phân phối để ổn định thị trường. Điều này cũng cho thấy khả năng quản lý, dự báo của các bộ chưa đáp ứng được những yêu cầu của thị trường khiến cho giá thép vượt ngoài tầm kiểm soát.
Trước những diễn biến phức tạp của thị trường thép, Bộ Tài chính đã lập tức gửi công văn báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho dừng các biện pháp bảo hộ: giảm thuế nhập khẩu phôi, thép thành phẩm xuống còn 0% trong trường Bộ Công nghiệp chưa hoàn chỉnh được hệ thống cung ứng thép, để giá mặt hàng này tiếp tục biến động. Động thái quyết liệt này của Bộ Tài chính cũng cho thấy, bộ này đang quyết tâm không để cho cơn sốt thép quay trở lại.
Ngay sau công văn của Bộ Tài chính, Bộ Công nghiệp cũng trình Thủ tướng Chính phủ Quy chế điều hành thị trường thép. Tuy nhiên, nhận xét về điều này với báo Người Lao Động, ông Hoàng Thọ Xuân, Vụ trưởng Chính sách thị trường trong nước (Bộ Thương mại) cho rằng, đề cương bình ổn giá thép của Bộ Công nghiệp quá sơ sài và không thuyết phục. "Để giải quyết vấn đề ngành thép, tôi cho rằng đứng về phía cơ chế chính sách là không có gì khó mà mấu chốt cần giải quyết là hệ thống phân phối. Theo tôi, để làm được điều này thì VSC phải làm gương, đóng vai trò nòng cốt chứ không thể hô hào chung chung được", ông Xuân nói.
Quang Ngọc