Đại diện Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB - chủ đầu tư dự án) cho hay, sau khi cập cảng Hải Phòng, dự kiến giữa tháng một robot đào hầm thứ hai sẽ được vận chuyển về ga ngầm S9 (Kim Mã, Hà Nội) và hoàn thành lắp đặt sau ba tháng.
Theo MRB, tương tự như robot đào hầm thứ nhất, robot đào hầm thứ hai là một cỗ máy lớn với nhiều bộ phận phức tạp như đầu cắt, khiên đào, tay trộn, buồng điều áp, xi lanh đẩy, hệ thống vận chuyển đất thải... vì vậy việc vận chuyển và lắp đặt mất rất nhiều thời gian.
Các đơn vị liên quan phải vận chuyển robot trên quãng đường bộ hơn 190 km từ Hải Phòng về ga S9 (Kim Mã, Hà Nội) rồi dùng cần cẩu nặng 500 tấn đưa dần từng bộ phận xuống tầng đáy của ga để lắp ráp.
Robot đào hầm chế tạo theo công nghệ TBM (Tunnel Boring Machine), có chiều dài hơn 100 m, nặng khoảng 850 tấn với bộ phận khiên đào phía trước đường kính 6,55 m. Theo thiết kế, trong điều kiện lý tưởng, mỗi ngày máy sẽ đào được khoảng 10 m đường hầm.
Ông Nguyễn Cao Minh - Trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội, cho biết 2021 là năm quan trọng của dự án đường sắt đô thị tuyến số 3, đoạn Nhổn – Ga Hà Nội. Mở đầu năm mới với việc hoàn thành lắp đặt robot đầu tiên, sau đó lại đón robot thứ hai cập cảng. Ông cho hay MRB sẽ quyết liệt chỉ đạo các nhà thầu hoàn thành lắp đặt và đưa bộ đôi robot thi công đoạn tuyến hầm đúng theo dự kiến.
Sau khi lắp ráp xong, các robot sẽ bắt đầu khoan từ ga S9 tới ga S12 - Ga Hà Nội ở cuối đường Trần Hưng Đạo với tổng chiều dài 4 km; khoan đến đâu vỏ hầm sẽ được lắp đến đấy.
Dự kiến tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội sẽ khai thác thương mại trước đoạn trên cao dài 8,5 km vào cuối năm 2021, bắt đầu từ Nhổn đến ga S8 - Đại học Giao thông Vận tải; 4 km đoạn đi ngầm còn lại sẽ khai thác vào cuối năm 2022.
Dự án tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn - ga Hà Nội được hỗ trợ bởi nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Pháp, Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) và vốn đối ứng trong nước.
Võ Hải