Trong thư, các thuyền viên cho biết họ được thuê làm việc trên tàu Thái Sơn 18 thuộc Công ty vận tải và thương mại Nghĩa Thái Sơn, có trụ sở chính tại Thái Bình. Làm việc mới được 5 tháng, nhưng có tới 4 tháng gần đây họ không được trả lương.
Từ Philippines các thủy thủ cho biết họ đang rơi vào tình trạng đói khát do từ lâu không được công ty cấp tiền ăn. Trên tàu không có thuốc men cũng không có điện sinh hoạt vì dầu diesel để chạy máy phát đã hết, ban ngày thì nóng nực, ban đêm tối tăm và phải nấu nướng bằng củi.
Tàu hết nhiên liệu để hoạt động, thủy thủ phải dùng củi để nấu nướng. Ảnh do thủy thủ đoàn cung cấp. |
Trước đó, toàn bộ 17 thuyền viên xuống nhận tàu tại Davao, Philippines vào đầu tháng 5/2012 để khắc phục, sửa chữa máy chính và các thiết bị hư hỏng mà công ty và thuyền bộ trước để lại. Sau khi sửa chữa, đội thuyền viên kéo neo chạy tiếp đi trả hàng tại Tân Cảng, Trung Quốc. Tuy nhiên trên đường đi, máy chính lại gặp sự cố khiến họ phải vào neo tại cảng vịnh Anchorage ở tỉnh Bataan, Philippines từ đầu tháng 08/2012 đến nay.
Tàu Thái Sơn 18 có tổng trọng tải 5.300 DWT, chiều dài 97,12m, chiều rộng 15,6m. Tàu do Công ty cổ phần Vận tải biển và Thương mại Nghĩa Thái Sơn làm chủ đầu tư và chính thức hoạt động dịch vụ vận tải biển từ cuối tháng 12/2008. Với tổng vốn đầu tư hơn 100 tỷ đồng, dự án đóng tàu này được Chi nhánh NHPT Thái Bình cho vay và do Công ty Cổ phần Vụ Hát Tường đóng. |
"Từ đó đến nay, chúng tôi đã nhiều lần gửi thư về công ty ở Việt Nam yêu cầu sửa chữa, cấp tiền ăn, cấp dầu, trả số lương còn lại và cho biết kế hoạch cụ thể của tàu nhưng vẫn chưa thấy công ty có biện pháp gì", thư của 17 thuyền viên viết.
Hiện tàu Thái Sơn18 neo đậu ở sát khu công nghiệp lọc dầu, nơi thường có tàu thuyền ra vào cảng. Tình huống trở nên nguy hiểm hơn khi họ không có điện để thắp đèn neo báo hiệu và các thiết bị cảnh giới.
Các thuyền viên cũng cho biết đã gửi đơn kêu cứu qua email về Cục Hàng hải và vẫn chờ hồi âm. Trợ giúp duy nhất mà các thuyền viên này đang nhận được là từ Hiệp hội Lao động Vận tải Quốc tế (ITF).
17 thuyền viên cùng đại diện ITF trên tàu Thái Sơn 18. Ảnh do thủy thủ đoàn cung cấp. |
VnExpress.net hôm nay đã chuyển thư kêu cứu của thủy thủ đoàn tàu Thái Sơn 18 tới Bộ Ngoại giao. Bộ cho biết đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Philippines khẩn trương xác minh vụ việc và có phương án hỗ trợ cho thuyền viên.
Trao đổi với VnExpress.net, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, ông Đỗ Đức Tiến cho biết Cục đã nhận được email của các thủy thủ tàu Thái Sơn 18. "Trước mắt, Cục đã gửi yêu cầu đến chủ tàu yêu cầu giải quyết đơn khiếu nại của các thuyền viên. Trách nhiệm chính vẫn ở là chủ tàu", ông Đỗ Đức Tiến nói.
Ngoài ra, Cục cũng đã liên hệ với Đại sứ quán Việt Nam tại Philippines sẵn sàng lên phương án trợ giúp. Ở Đại sứ quán luôn có sẵn quỹ bảo hộ công dân, sẽ được dùng để cứu trợ các thuyền viên trong trường hợp khẩn cấp, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải nói thêm.
Như vậy chỉ trong một tuần, liên tiếp có 2 thủy thủ đoàn ở nước ngoài gửi đơn thư về nước cầu cứu các cơ quan chức năng. Trước đó, 19 thủy thủ tàu Vinalines cho biết họ bị bỏ rơi ở UAE 2 tháng nay trong điều kiện khó khăn, không có thức ăn lẫn nước uống. Trao đổi với VnExpress.net chiều nay, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải cho biết Cục đã yêu cầu phía Vinalines khẩn trương triển khai phương án giải quyết vụ việc, cung cấp nhu yếu phẩm cho các thuyền viên.
Ông Nguyễn Đình Thanh - Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) cũng xác nhận với TTXVN, tàu May Diamond Way do Công ty Vinashinlines thuộc Vinalines quản lý. Do những khó khăn về tài chính, Công ty Vinashinlines còn nợ tiền sửa chữa tàu May Diamond Way nên phía công ty Đại lý cảng National Shipping Service (NSS) giữ tàu.
Trên tàu May Diamond Way có 19 thuyền viên Việt Nam, nằm tại cảng Jebel Ali (Dubai, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất - UAE) từ hơn hai tháng nay. Toàn bộ giấy tờ tùy thân, hộ chiếu của thuyền viên, Công ty NSS đang giữ.
Ngay sau khi có văn bản của Bộ Ngoại giao yêu cầu xử lý vụ việc, lãnh đạo Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đã chỉ đạo Công ty Vinashinlines tích cực phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại UAE nhanh chóng chuyển số tiền còn nợ cho phía công ty Đại lý để đưa tàu và các thuyền viên về nước.
Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Vận tải Viễn Dương Vinashin (Vinashinlines) thành lập tháng 8 năm 2000, trước đây thuộc Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Vinashin. Khoảng tháng 7/2010, công ty này được chuyển sang Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), khi Chính phủ tiến hành cơ cấu lại Tập đoàn Vinashin.
Thanh Bình