Tôi làm thủ tục xong cũng gần 22h, khu nhà ga T2 sân bay Nội Bài lúc này vẫn còn nhiều người lắm. Chắc họ cũng như chúng tôi, tạm xa nơi chôn nhau cắt rốn để quay lại nơi có cuộc sống hiện tại, gia đình nhỏ và cả công việc nữa.
"Thôi, vào đi các con", mắt mẹ hơi ướt, nhẹ nắm lên vai tôi giọng chùng xuống.
Trước cửa lối vào phòng chờ khu quốc tế, bố mẹ cùng cả gia đình lên tận sân bay đưa chị em tôi quay lại Pháp sau kỳ nghỉ Tết dài. Nói là dài vậy thôi chứ năm tuần sum vầy bên gia đình sao trôi qua nhanh quá.

Tôi sống và làm việc ở nơi cách Việt Nam nửa vòng trái đất hơn mười năm rồi. Mỗi lần tôi về thăm nhà là ríu rít, vui chẳng lần nào giống lần nào. Và ngần ấy lần tôi bịn rịn nói lời chào tạm biệt, cũng chỉ một cảm giác ấy, rất chông chênh.
Lần đầu tiên cuối năm 2001, khi tôi ngơ ngác lên chuyến bay sang Pháp đi học, mẹ nắm lấy bàn tay tôi dặn "Con nhớ phải giữ gìn sức khoẻ đấy". Khoảnh khắc ấy sao giống như tối hôm nay thôi. Tai nóng bừng, tôi cố tỏ vẻ cứng rắn không để mọi người thấy khoé mắt đã ngấn lệ. Chị gái tôi đứng bên chồng, tay dắt đứa con trai bé bỏng, nước mắt đã lưng tròng. Chị luôn như thế, sống rất tình cảm và mọi cảm xúc đều thể hiện trên gương mặt.
Bố vẫn như mọi lần, chỉ gửi nỗi lòng theo ánh mắt. Ít khi ông bày tỏ bằng lời. Ánh mắt ấy nhiều lần tôi chẳng dám nhìn thẳng vào mà chỉ chúi chúi đầu vào áo bố dù khi 20 hay hơn 10 năm sau đó. Tôi chỉ thích là đứa con gái bé bỏng của bố ngày nào, suýt ăn roi vì nghịch gãy cái thước gỗ (dụng cụ dùng cho những tiết giảng toán trên lớp của bố) hay sà vào lòng khi bố đang bận rộn.
Nhà tôi nhiều chị em gái lắm, bố là mì chính cánh trong vương quốc toàn các "yêu nữ" và ông hãnh diện vì điều đó. Bố bảo có lẽ vì bố quá thương nên chỉ muốn có những bông hoa nhỏ xinh như mẹ thôi - cô giáo hiền thảo ngày nào.
Chị cả với anh rể thứ 5 làm tài xế chở cả nhà đi. Chị nhanh nhảu đẩy giúp tôi chiếc vali nhỏ, huyên thuyên cười nói mong làm nhẹ bớt phần nào cái không khí này. Ôm lấy cánh tay tôi, bàn chân cứ di di xuống nền gạch "Nhanh quay lại chị nhé", em gái út tạm biệt chúng tôi như thế.
Ừ, sẽ nhanh thôi. Chị sẽ lại được thấy những khuôn mặt này bằng da bằng thịt chứ không phải nhờ đến camera máy tính nữa, yêu thương ạ.
Những lần trước, tôi đã kịp chế ngự cảm xúc, để sau đó khi ngồi trên máy bay là tấm tức khóc. Lần này thì chẳng thể rồi. Tôi bặm môi, nước mắt cứ lăn dài trên má. Nhớ, thương dâng trào lẫn lộn. Tôi nhớ ngay cả khi đang ở cạnh bên.
Ôm tôi vào lòng, mẹ thủ thỉ "Kìa, cháu nó đang nhìn đấy. Rồi con sẽ lại về mà". Ngước sang bố, bắt gặp nụ cười hiền thấy lòng nhẹ hơn. Giá mà những lần trước cứ đừng cố ngăn nước mắt chảy thì có lẽ đã không khó khăn như thế. Tôi nắm lấy hai bàn tay đã kịp nhăn nheo vì tuổi tác của bố mẹ, cảm nhận thêm một lần nữa cái hơi ấm ngọt ngào chẳng ngôn từ nào diễn đạt hết ấy.
Tôi đã bớt chông chênh. Bóng mẹ nhỏ dần, hoà vào với màu đèn đường, vàng nỗi nhớ.
Phạm Kim Quế
Cuộc thi "Tình người xa xứ" diễn ra từ ngày 11/5 đến 8/6/2015 với giải thưởng cao nhất trị giá 20 triệu đồng. Cuộc thi được tổ chức nhân dịp sắp ra mắt bộ phim "Quyên", dựa trên tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Văn Thọ.
Bộ phim tái hiện những cuộc đời người Việt lang bạt nơi đất khách, với những cuộc tình giằng co giữa toan tính, thù hận, những trận thanh toán đẫm máu giữa các băng nhóm thấm đỏ tuyết trắng những ngày đông. Phim sẽ được phát hành tại các rạp trên toàn quốc vào ngày 19/6.
Xem thể lệ và giải thưởng cuộc thi. Gửi bài dự thi tại đây. Gửi ý kiến về cuộc thi: nguoivietvnexpress@gmail.com