Khoản nợ gốc và lãi mà Modern Land không thể thanh toán hôm 25/10 có trị giá 250 triệu USD. Trong tuyên bố gửi tới Sở giao dịch chứng khoán Singapore, nơi trái phiếu này được niêm yết, doanh nghiệp cho biết không thể trả nợ là do vấn đề thanh khoản đột ngột phát sinh trước tác động của nhiều yếu tố bất lợi như kinh tế vĩ mô, môi trường ngành bất động sản và Covid-19.
Modern Land muốn kéo dài thời hạn trả nợ đến cuối tháng 1/2022. Fitch Ratings đã hạ mức tín nhiệm của Modern Land từ B xuống C sau khi doanh nghiệp này đề xuất được gia hạn nợ.
Doanh nghiệp đang làm việc với cố vấn pháp lý Sidley Austin và hy vọng sớm thu hút được các cố vấn tài chính để vượt qua khủng hoảng.
Số vụ vỡ nợ trái phiếu của Trung Quốc đã lập kỷ lục mới, với tổng giá trị ít nhất là 8,7 tỷ USD, trong đó, ngành bất động sản chiếm đến một phần ba.
Fantasia Holdings, Sinic Holdings và China Properties đều đã vỡ nợ với trái phiếu USD trong tháng này, trong khi Tập đoàn Evergrande đã thoát khỏi hiểm cảnh vào phút chót sau khi thực hiện trả lãi trái phiếu vào cuối tuần trước. Tuy vậy, Evergrande sẽ đối mặt với hạn chót trả nợ khác vào thứ sáu này (29/10).
Khi cuộc khủng hoảng thanh khoản trở nên trầm trọng hơn, các cơ quan xếp hạng toàn cầu đã hạ điểm tín nhiệm các công ty bất động sản Trung Quốc. Tính đến ngày 21/10, Moody’s Investors Service, S&P Global Ratings và Fitch Ratings đã 44 lần hạ bậc xếp hạng các công ty bất động sản Trung Quốc, sau 34 lần trong cả tháng 9.
Chuyên gia Ma Dong của BG Capital Management nhận xét, khủng hoảng của Evergrande đã làm dấy lên những lo lắng không chỉ về ngành bất động sản mà còn phủ rộng lên cả nền kinh tế Trung Quốc. Hiện Chính phủ nước này cũng tích cực kiểm soát để giảm bớt đòn bẩy trong hệ thống tài chính trước khi mọi việc vượt quá tầm tay.
Bên cạnh đó, việc bị hạ bậc xếp hạng tín dụng sẽ khiến các công ty càng khó huy động vốn hơn trong khi họ đang chịu sức ép rất lớn về tái cấp vốn.
Đức Minh (Theo Bloomberg, Nikkei Asia)