Sau những tháng đầu năm trầm lắng, cuộc đua phát hành trái phiếu doanh nghiệp được kích hoạt trở lại từ khoảng tháng 4. Hàng loạt "ông lớn" ngành ngân hàng như VPBank, Agribank, ACB nhập cuộc với giá trị huy động thành công không dưới 1.500 tỷ đồng một tháng.
Giai đoạn sôi động nhất rơi vào tháng 6 khi bình quân mỗi ngày có đến 3 đợt phát hành thành công. Cuộc đua huy động vốn có thêm sự xuất hiện của nhiều nhà băng như BIDV, SHB, MSB, HDBank, TPBank và hàng loạt cái tên lớn của nhóm bất động sản như Phát Đạt, Hưng Thịnh, BIM, Sunshine Homes.
Các công ty chứng khoán, hàng không, xây dựng, năng lượng cũng nhanh chóng thông qua phương án phát hành và huy động từ vài trăm tỷ đến trên 1.000 tỷ đồng.
Báo cáo của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) cũng cho thấy, trong 7 tháng đầu năm có 376 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong nước với tổng giá trị trên 235.000 tỷ đồng và 3 đợt phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế để huy động 1 tỷ USD.
Giá trị phát hành riêng lẻ vẫn áp đảo với hơn 225.000 tỷ đồng, trong khi lượng vốn huy động được từ phát hành ra công chúng chưa đến 9.600 tỷ đồng. Sở dĩ có sự chênh lệch lớn giữa hai hình thức này là do quá trình chào bán riêng lẻ diễn ra nhanh và đơn giản hơn về điều kiện phát hành, chuẩn mực công bố thông tin, quản trị điều hành. Doanh nghiệp cũng có thể chủ động khoanh vùng người mua vì Luật Chứng khoán quy định hình thức chào bán riêng lẻ có thể dành riêng cho nhà đầu tư chuyên nghiệp hoặc dưới 100 nhà đầu tư.
Theo VBMA, nhóm ngân hàng dẫn đầu giá trị phát hành giai đoạn 7 tháng đầu năm với hơn 95.000 tỷ đồng. Gần 80% trái phiếu của nhóm này phát hành với kỳ hạn từ 2-4 năm và lãi suất 3-4,2% một năm. Con số này tạo ra khoảng cách lớn với lãi suất mà các doanh nghiệp bất động sản, nhóm xếp thứ hai về giá trị phát hành, chào mời. Phần đông công ty địa ốc phát hành trái phiếu có lãi suất trên 8% một năm, cá biệt Công ty cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt đưa ra lãi suất 13% và trả định kỳ hàng quý.
Tính riêng nhóm doanh nghiệp bất động sản thì khoảng 15% đợt phát hành trong 7 tháng đầu năm không có tài sản đảm bảo hoặc đảm bảo bằng cổ phiếu. Một số doanh nghiệp huy động vài nghìn tỷ đồng nhưng thời gian hoạt động trên thị trường chưa đến 5 năm. Dù vậy, tỷ lệ thành công luôn là 100%. Điển hình như trường hợp Công ty cổ phần Đầu tư Golden Hill thành lập năm 2017, đến giữa năm nay thông báo chào bán 57,6 triệu trái phiếu để huy động 5.760 tỷ đồng và không lâu sau đã có hai công ty chứng khoán mua hết.
Đà tăng nhanh của thị trường trái phiếu doanh nghiệp được nhiều nhóm phân tích dự báo từ đầu năm. FiinGroup thống kê 1.292 doanh nghiệp niêm yết trên HoSE, HNX và UPCoM về mức độ chi đầu tư tài sản cố định trong nửa thập kỷ để kết luận rằng nhu cầu vốn trung và dài hạn ở các ngành bất động sản, xây dựng, điện, vật liệu sẽ tiếp tục tăng cao. Trong bối cảnh các tiêu chuẩn cho vay ngày càng bị thắt chặt thì trái phiếu doanh nghiệp đang trở thành một kênh huy động thay thế vay vốn trực tiếp từ ngân hàng.
Một yếu tố khác kích thích thị trường này phát triển mạnh chính là dịch bệnh lan rộng. Dòng tiền ngắn hạn bị suy yếu trong khi mô hình kinh doanh về dài hạn và vị thế của doanh nghiệp vẫn tốt buộc họ phải huy động vốn bằng trái phiếu để tái cấu trúc nợ.
"Trong bối cảnh nhu cầu vốn trung và dài hạn của doanh nghiệp rất lớn và thị trường cổ phiếu nhiều biến động, kênh trái phiếu doanh nghiệp sẽ là một sự lựa chọn mang tính chiến lược về vốn của cả các doanh nghiệp niêm yết và các doanh nghiệp chưa niêm yết", báo cáo của FiinGroup viết.
Bên bán bùng nổ, bên mua cũng không kém cạnh. Báo cáo kết quả phát hành cho thấy bên mua trên thị trường sơ cấp là công ty chứng khoán hoặc ngân hàng, nhưng Chuyên gia ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, khi thị trường sôi động như hiện nay thì khó để khẳng định lượng trái phiếu này sẽ nằm yên. Một số tổ chức còn xem kinh doanh trái phiếu là hoạt động mang đến nguồn thu lớn.
Thống kê cuối tháng 7 của Công ty Chứng khoán VNDirect ghi nhận sự tăng tốc của thị trường thứ cấp – nơi nhà đầu tư cá nhân có thể giao dịch trái phiếu doanh nghiệp qua thoả thuận trên thị trường chứng khoán phi tập trung, nền tảng giao dịch của các đơn vị phân phối và niêm yết trên HoSE. Tổng giá trị giao dịch trái phiếu doanh nghiệp trong quý II đạt hơn 15.530 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với quý trước. Bình quân mỗi phiên trong quý II có 254 tỷ đồng trái phiếu được sang tay.
"Nhà đầu tư cá nhân mua trái phiếu vì lãi suất hấp dẫn quá", ông Hiếu nói trong một toạ đàm trực tuyến về trái phiếu doanh nghiệp vào giữa tháng 8.
Tuy nhiên, chuyên gia này cảnh báo nhà đầu tư cá nhân nên thận trọng bởi họ là đối tượng đối diện với rủi ro rất lớn khi tham gia thị trường này. Nguyên nhân là do nhà đầu tư cá nhân thường không có kỹ năng phân tích và theo dõi các chỉ tiêu tài chính (thông qua báo cáo tài chính) để bảo đảm nhà phát hành có khả năng trả nợ. Họ cũng khó kiểm soát việc doanh nghiệp có sử dụng trái phiếu đúng với mục đích huy động vốn hay không.
Một số nhà đầu tư cá nhân cảm thấy thoải mái với các đợt phát hành trái phiếu có tài sản bảo đảm là chính cổ phiếu của doanh nghiệp đó. Trái chủ, về lý thuyết, có thể bán cổ phiếu để lấy lại tiền khi doanh nghiệp không còn khả năng trả nợ. Thực tế có thể không suôn sẻ như vậy, bởi khi doanh nghiệp mất khả năng trả nợ thì thị giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán sẽ giảm rất sâu, thậm chí không còn giá trị nên nhà đầu tư không thu lại được vốn.
Trước thực trạng trên, ngày 1/9, Bộ trưởng Tài chính đã ký công văn yêu cầu Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, Vụ Tài chính ngân hàng và Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam tăng cường kiểm tra thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Tình trạng tổ chức phát hành là các doanh nghiệp nhỏ, mới thành lập, kết quả kinh doanh không rõ ràng và phát hành không có tài sản đảm bảo hoặc chất lượng tài sản đảm bảo thấp sẽ được thắt chặt.
Đây là lần thứ hai trong khoảng một năm qua Bộ Tài chính lên tiếng về thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Động thái bắt nguồn từ lo ngại kênh huy động vốn này đang bộc lộ nhiều rủi ro cho nhà đầu tư và gây mất an toàn nền tài chính quốc gia.
Phương Đông