Theo kế hoạch, đường ống sẽ chuyển 400.000 thùng dầu/ngày, chủ yếu là của tập đoàn Yukos, từ Siberia tới nước tiêu thụ đông dân nhất thế giới. Tổng công ty Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) đã bắt tay xây dựng ống dẫn cùng các công trình phụ trợ tới tận biên giới với Nga. Tuy nhiên, nước láng giềng đang lừng chừng chưa quyết về lộ trình, chi phí và phương án tài chính.
Hồi tháng 4, Matxcơva đã chính thức cho phép xây dựng đường ống đi từ khu mỏ Angarsk tới Đại Khánh, nhưng cũng đồng thời tuyên bố ý định triển khai ống dẫn thứ hai, đi tới cảng Nakhodka trên biển Nhật Bản. Tokyo đã ráo riết vận động cả ngoại giao lẫn kinh tế, với hứa hẹn nhiều tỷ USD. Tuy nhiên, Kremlin chưa bắt tay với Nhật bởi nếu đồng ý kế hoạch cho vay vốn 5 tỷ USD từ Tokyo, Nga buộc phải trả nợ dần bằng các chuyến tàu chở dầu tới quốc đảo.
Ngược lại, những người phản đối dự án đường ống sang Trung Quốc cho rằng cũng thật là thiếu khôn ngoan nếu buộc chặt nguồn năng lượng ở nam Siberia với một khách hàng duy nhất, cho dù khách hàng đó có quan hệ đối tác chiến lược với Nga.
Một yếu tố nữa sẽ ảnh hưởng đến quyết định của Nga là Kremlin không muốn để một mình Yukos - hãng đang có bê bối - kiểm soát đường ống sang Trung Quốc bằng cách đảm nhận toàn bộ phương án tài chính. Hiện tại, Nga vẫn kiểm soát chặt chẽ mỗi tấn dầu xuất khẩu, thông qua mạng lưới của công ty nhà nước Transneft.
Các hãng dầu khí Nga đã vận động mạnh nhằm thuyết phục chính phủ cho phép họ xây dựng những đường ống mới, bởi công suất khai thác hiện vượt quá khả năng xuất khẩu. Sức tiêu thụ nội địa là 4 triệu thùng/ngày, trong khi sản lượng đạt 8 triệu, vì vậy, để khai thác tối đa lợi nhuận, lượng dầu dư phải được bán ra nước ngoài. Hiện mức xuất của Nga là 3,5 triệu thùng/ngày. Dự đoán đến 2012, sản lượng tăng tới 11,5 triệu, như vậy Nga cần tăng gấp đôi các đường ống xuất phương tiện xuất khẩu khác.
Một trong những kế hoạch được đưa ra đầu năm nay là thực thi dự án với Trung Quốc, đồng thời nghiên cứu khả thi đường ống dẫn sang Nhật. Trong đó, yêu cầu Bắc Kinh đầu tư tài chính cho đoạn trên lãnh thổ Nga, thay vì dùng tiền của Yukos. Kế đó, Trasneft nhận trách nhiệm thực hiện các công việc còn lại của dự án. Theo các quan chức của công ty nhà nước, Nga không có đủ dầu để bơm cùng lúc cả hai.
Mới đây, Bộ Tài nguyên Nga đánh tín hiệu rằng Matxcơva có thể đình hoãn đường ống Đại Khánh vì lý do môi trường. Uỷ ban nghiên cứu tác động môi trường của Nga không đồng tình với việc đặt ống dẫn qua Vườn Quốc gia Tunkinsky ở Đông Siberia và dọc hồ Baikal. Tuy Bộ Tài nguyên chưa công bố quan điểm chính thức, một quan chức cho biết cơ quan này hy vọng chính phủ sẽ thảo luận và ra quyết định ngừng dự án trong kỳ họp tháng 9 này.
Nhưng việc đình hoãn là điều khiến Trung Quốc tức giận và khó chấp nhận. Nó cũng sẽ gây những tác động dây chuyền trong quan hệ đôi bên, mà rõ nhất là trong chuyến công du Trung Quốc của thủ tướng Nga Mikhail Kasyanov tháng này.
Mikhail Perfilov, một chuyên gia phân tích dầu mỏ của Matxcơva, nhận xét rằng quyết định trì hoãn là "một bằng chứng cho thấy đang có cuộc chạy đua vận động hành lang quyết liệt giữa Trung Quốc và Nhật". Theo ông, ảnh hưởng môi trường chỉ là cái vỏ che đậy cho việc Kremlin chưa thể dứt khoát xây dựng đường ống nào.
"Các công ty Nga muốn xây dựng đường ống tới Viễn Đông (Nhật) hơn", Perfilov nói, "bởi nó linh hoạt hơn. Các nhà xuất khẩu có thể bơm dầu tới cảng, sau đó xuất đi đâu tuỳ ý. Còn đường Đại Khánh dẫn đến một thị trường duy nhất, thậm chí không phải là thị trường theo đúng nghĩa của nó, bởi chính phủ Trung Quốc sẽ quy định chi phí, giá cả".
Các nhà phân tích cho rằng Kremlin sẽ phải mất nhiều thời gian mới đi đến quyết định cuối cùng được. "Lúc này, Matxcơva đang bế tắc", Perfilov nhận xét. "Tôi cho rằng cả Trung Quốc và Nhật Bản sẽ dùng nhiều cách để thuyết phục Nga quyết định có lợi cho mình, kể cả dùng biện pháp đe doạ".
Tuần trước, khi thông báo sẽ mua hệ thống tuyển than do Mỹ sản xuất với giá cao, lắp đặt tại công ty than quốc doanh Shinghua Group, các quan chức thương mại Trung Quốc nói với đối tác Nga rằng lý do khiến đơn thầu giá thấp hơn của họ bị loại là bởi Bắc Kinh tức giận vì dự án đường ống Đại Khánh bị trì hoãn.
T. Huyền (theo Asia Times)