Ông Bùi Ngọc Tài, 71 tuổi, ngụ TP HCM được chẩn đoán mắc ung thư phổi sau một thời gian xuất hiện triệu chứng ho ra máu. Tại Bệnh viện Gia Định (TP HCM), bác sĩ cho biết khối u của ông quá to, không thuận lợi để làm phẫu thuật. Ông Tài được giới thiệu sang Bệnh viện Ung bướu TP HCM để điều trị bằng liệu pháp miễn dịch. Sau khi làm xét nghiệm và có kết quả phù hợp với phương pháp này, bệnh nhân bắt đầu điều trị. Qua 6 lần truyền thuốc, khối u nhỏ lại, các triệu chứng của ông Tài giảm dần. Ông truyền đủ 34 chu kỳ nữa theo phác đồ và tái khám định kỳ. Hiện sức khỏe bệnh nhân ổn định.
"Khi mới biết bệnh, tôi cũng bi quan lắm, nghĩ chắc thời gian sống của mình sắp hết. Nhưng khi tìm đọc thông tin thấy liệu pháp miễn dịch được trao giải Nobel Y học, tôi an tâm điều trị hơn. Tôi mong mọi người bệnh ung thư khác cũng có cơ hội tiếp cận với liệu pháp miễn dịch, để thêm cơ hội chiến thắng ung thư", ông Tài nói.
Ngoài ông Tài, ngày càng có nhiều người bệnh ung thư đạt kết quả tốt khi điều trị bệnh bằng liệu pháp miễn dịch. Ví dụ như trường hợp bệnh nhân Trần Tiến Đức, 74 tuổi (Hà Nội) mắc ung thư phổi giai đoạn cuối. Ông thử qua một số phương pháp điều trị nhưng không đạt kết quả tốt. Sau khi được giới thiệu liệu pháp miễn dịch kết hợp hóa trị, người bệnh đáp ứng một phần, dung nạp thuốc tốt và chất lượng cuộc sống cải thiện hơn.
![Ung thư phổi ảnh hưởng nhiều đến người lớn tuổi. Ảnh: Freepik](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2023/04/01/MSD1-4646-1680317394.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=i0thrWJMhfdRpSXhhLA9zg)
Ung thư phổi ảnh hưởng nhiều đến người lớn tuổi. Ảnh: Freepik
Theo TS.BS Nguyễn Thị Thái Hòa, Trưởng khoa Nội 2 – Bệnh viện K (Hà Nội), liệu pháp miễn dịch được giới thiệu tại Việt Nam năm 2017. Phương pháp này tập trung vào việc khai thác hệ thống miễn dịch của cơ thể, từ đó giúp tăng sức mạnh để chống lại các tế bào ung thư một cách có chọn lọc.
Bác sĩ Hòa cho biết, liệu pháp miễn dịch là một phương pháp điều trị tiên tiến hiện nay, góp phần làm giảm số ca tử vong do ung thư. Tỷ lệ sống sót tương đối trong 5 năm đối với tất cả các bệnh ung thư có chiều hướng tăng. Giai đoạn 1975-1977 là 49%, đến giai đoạn 2004-2010 tỷ lệ này tăng lên 68%.
Liệu pháp miễn dịch có mặt tại Việt Nam hơn 5 năm và hiệu quả điều trị đã được chứng minh, song nhiều bệnh nhân chưa được tiếp cận liệu pháp này, một phần do gánh nặng tài chính. "Liệu pháp miễn dịch hiện chưa nằm trong danh mục chi trả BHYT nên khi bệnh nhân còn đắn đo khi lựa chọn điều trị", TS.BS Nguyễn Thị Thái Hòa chia sẻ.
![Liệu pháp miễn dịch điều trị ung thư. Ảnh: MSD](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2023/04/01/MSD2-1374-1680317394.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=zgpIUM2-j3ng95iuPKNQtg)
Liệu pháp miễn dịch điều trị ung thư. Ảnh: MSD
PGS Lê Văn Hợi, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện K, cho biết bệnh ung thư có đặc thù điều trị kéo dài khiến chi phí lớn. Nếu được hỗ trợ tài chính cũng như được tạo điều kiện từ cách chính sách, bệnh nhân ung thư sẽ có cơ hội chọn phương pháp mới, hiện đại, giúp tăng cơ hội điều trị khỏi.
Mỗi năm, tại Việt Nam có đến hơn 26.000 ca mắc mới ung thư phổi. Ung thư phổi là dạng ung thư phổ biến và nguy hiểm nhất ở Việt Nam với tỷ lệ tử vong cao. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ung thư có thể chữa trị nếu được phát hiện sớm, điều trị đúng và kịp thời.
Anh Chi
*Tên nhân vật đã được thay đổi