Đề xuất được gửi đến Bộ Giao thông Vận tải tuần trước, căn cứ vào kết quả nghiên cứu của Tư vấn. Hai sân bay quân sự này sẽ được đầu tư khi thu hút được nguồn vốn xã hội hóa.
Theo đề xuất, sân bay Thành Sơn (Ninh Thuận) trước năm 2030 công suất 1,5 triệu hành khách mỗi năm; tầm nhìn đến năm 2050 đạt 3 triệu. Thành Sơn hiện có quỹ đất lớn để xây dựng hệ thống đường lăn, sân đỗ máy bay và khu hàng không phục vụ khai thác dân dụng. Bộ Quốc phòng đã đồng ý bàn giao khu đất phía đông nam để phát triển hàng không dân dụng khi có nhu cầu.
Đến năm 2030, sản lượng khách du lịch tại tỉnh Ninh Thuận dự kiến đạt 6 triệu. Nhu cầu vận tải khách hàng không có thể đạt tới 1,5 triệu năm 2030 và 3-5 triệu khách năm 2050. Vì vậy, theo Cục Hàng không, việc bổ sung Thành Sơn khai thác lưỡng dụng vào quy hoạch là có cơ sở.
Sân bay Biên Hòa (Đồng Nai) được đề xuất quy hoạch đến năm 2030 có công suất 5 triệu hành khách, tầm nhìn đến năm 2050 đạt 10 triệu khách.
Hiện nay, sân bay Biên Hòa có nhiều khu vực đất bị nhiễm dioxin. Cục Hàng không cho biết nội dung này sẽ được cập nhật bổ sung vào hồ sơ đánh giá môi trường của đồ án quy hoạch. Việc xử lý dioxin là khả thi, đã và đang được thực hiện tại một số cảng hàng không và ngay sân bay Biên Hòa.
Ngoài ra, Cục cũng kiến nghị xem xét, nghiên cứu đưa vào quy hoạch một số sân bay quân sự địa phương sang khai thác lưỡng dụng như Yên Bái (tỉnh Yên Bái), Gia Lâm (Hà Nội)... Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu cần được báo cáo Thủ tướng xem xét quyết định.
Với các địa phương hiện chưa có sân bay, Cục Hàng không đề nghị tiếp tục đánh giá khả năng quy hoạch tại một số tỉnh có vị trí quan trọng về quốc phòng an ninh và có tiềm năng phát triển du lịch. Đó là Hà Giang (huyện Bắc Quang), Tuyên Quang (huyện Hàm Yên), Hà Tĩnh (huyện Cẩm Xuyên), Kon Tum (thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông), Quảng Ngãi (đảo Lý Sơn), Bình Thuận (đảo Phú Quý), Khánh Hòa (khu kinh tế Vân Phong, huyện Vạn Ninh), Đăk Nông (huyện Đăk Glong), Tây Ninh (huyện Dương Minh Châu)...
Theo ông Phạm Hữu Sơn, Tổng giám đốc TEDI - đơn vị tư vấn lập quy hoạch, nếu các sân bay mới không có xung đột về vùng trời, lại có doanh nghiệp cam kết bỏ vốn đầu tư thì có thể xem xét, bổ sung vào quy hoạch. Hiện kinh tế các địa phương phát triển nhanh nên quy hoạch hàng không cần có tính động, mở để tạo thuận lợi cho địa phương chủ động kêu gọi phát triển hạ tầng.
Thời gian qua, nhiều địa phương đã đề xuất bổ sung quy hoạch cảng hàng không trên địa bàn để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, phát triển du lịch, an ninh quốc phòng. Cuối năm 2022, Cục Hàng không Việt Nam và Tư vấn đã rà soát, làm việc với các địa phương, nêu kết quả nghiên cứu và đánh giá về khả năng quy hoạch sân bay, nhu cầu vận tải của địa phương.
Triển khai Luật Quy hoạch mới, Bộ Giao thông Vận tải đã xây dựng và trình Chính phủ quy hoạch cả 5 lĩnh vực chuyên ngành, Chính phủ đã phê duyệt 4 quy hoạch là đường bộ, hàng hải, đường sắt, đường thủy nội địa. Còn quy hoạch cảng hàng không, sân bay chưa được phê duyệt.