Con thèm lắm được trở lại với ngày ấy, là út ẹt bé bỏng của cả nhà, tay cầm thìa gõ lên bát sắt leng keng và miệng thì nhệu nhạo một miếng cơm cá rô rang…
Mưa rào. Thi thoảng gặp cơn mưa rào bất chợt ở chốn Sài thành, đó cũng là lúc ký ức trong trẻo của tuổi thơ con hiện về mồn một. Ngày mưa đã xa mà lại như gần quá, con phải làm chi đây để níu tuổi thơ? Tuổi thơ con là một chiều mưa được đi câu cá cùng anh hai, anh ba. Để rồi bữa tối ấy, nhà mình có bữa ăn chỉ có cơm với cá rô đồng rang mặn. Bữa ăn giản dị mà con nhớ đến nao lòng.
Mỗi lần về quê là con lại nhìn lại bờ sông cũ, nơi 3 anh em con đã ngồi trong chiều mưa đó, gò cỏ cao vẫn còn, đám cỏ gà vẫn xanh rì như thuở nào, nhưng lòng sông đã sâu và rìa sông thì thẳng thớm hơn trước. Bờ sông ấy không còn lùm xùm các loài cỏ nước nữa vì đã được xây chát bằng bê tông. Thật tình cờ, khi con về cũng là lúc ông trời tặng cho con một trận mưa tơi bời, cũng như cái duyên nào đó để con được gần hơn với ngày ấy, là út ẹt bé bỏng của cả nhà, tay cầm thìa gõ lên bát sắt leng keng và miệng thì nhệu nhạo một miếng cơm cá rô rang.
Chiều ấy, vì mưa nên mẹ thả lỏng cho tụi con, 4 đứa chẳng ai phải ra đồng chăn trâu, cắt cỏ, cũng chẳng ai phải ở nhà bỉ ngô hay học bài. Mẹ cho chúng con thoải mái lựa chọn chốn chơi. Và chỗ chơi bình yên của hai anh là ra sông Đào câu cá. Xem lại lưỡi câu, nắn lại nốt phao chì, đi cuốc giun là mấy việc hai anh thường phải chuẩn bị trước. Con biết các anh vui lắm, vì hình như câu cá là thú chơi yêu thích của đa phần đàn ông trên thế giới này? Nhưng nếu anh hai, anh ba mừng 1, thì con còn vui 10, vì lại được “tháp tùng” các anh đi câu cá. Nói là đi câu, nhưng con chỉ việc ngồi yên thôi, và chỉ làm đúng một nhiệm vụ là im lặng và lắng nghe: “Út nhớ không bi bô to nhỏ và tập yên lặng, có như thế thì cá mới chịu đến chơi và cắn câu”.
Nếu chỉ có thế thì chán lắm mẹ nhỉ, nhưng con vui vì được thỏa chí hò reo khi thấy cái phao của anh ba thút sâu xuống nước “Cắn rồi, cắn rồi…”, con ào lên vui sướng. Con còn thích hơn khi thấy anh kéo được chú cá ấy lên không, cẩn thận gỡ cá ra khỏi lưỡi, rồi thả vô xô nhẹ nhàng. Đôi lúc, có chú quẫy mạnh thân và thoát ra khỏi lưỡi câu trong gang tấc, làm con cứ thấy tiếc hùi hụi…
Cá sông thời ấy thì nhiều vô kể, thỉnh thoảng hai anh còn câu được cả mấy chú thè be ham ăn mắc lưỡi nữa, nhưng nhiều nhất là cá rô đồng. Loài cá mà trước giờ con vẫn không dám cầm đến, vì hàng ngạnh sắc nhọn trên lưng chúng. Vậy mà trước khi rán, mẹ cùng chị cả luôn nhẫn nại mổ (với những ông cá già) và bóp (với những chú cá non) để bỏ đi phần ruột - mật đắng. Moi ruột xong, mẹ thường ướp với một ít muối, để bớt tanh, đồng thời lọc sạch bùn đen còn bám ở miệng, ở mang cá.
Ngâm xong, chị rửa lại với nước một lần nữa cho sạch và bớt mặn. Cùng lúc đó, mẹ bắc củi lửa, chờ chảo nóng là đổ mỡ. Khi mỡ thật già thì mẹ mới thả cá vô. Mẹ nói, chỉ đổ cá khi mỡ thật sôi để cá được chín giòn và không bị dính vô mặt chảo. Cá rô đồng thường chỉ nhỏ bằng ngón tay út người lớn, nên mẹ chẳng phải rán từng con, mà cứ thế đổ ào cả rổ. Mỡ rán xèo xèo, cá thì kêu lách tách, vui tai lắm. Có những chú cá chưa “tắt thở” hẳn, khi gặp lửa nóng thì cong người lên giẫy chết và con tưởng tượng chúng giống như một giàn đồng ca mùa hạ, vẫy chào khán giả rồi lui về sau bức màn sân khấu lần cuối cùng.
Mẹ nhanh tay đảo cá cho đều khắp cũng là lúc chị hì hụi chuẩn bị gia vị. Gia vị chẳng có chi, chỉ là vài lá chanh tươi, 5-3 quả ớt tiêu, nước mắm và một ít hạt tiêu bắc xay. Khi thấy cá gần chín, thấy mỡ ở trong chảo đã bị hút hết vô thân cá, mẹ mới cho mắm, cho ớt, cho lá chanh thái mỏng vào đảo đều. Trời ơi, nhắc tới đây, nước miếng con ứa ra và mắt thì nghèn nghẹn. Có cái chi đó con không thể tả thành lời. Có những thứ chỉ có thể cất ở trong tim và một lúc nào đó để cho chúng tự trôi vào miền nhớ. Con thèm lắm được tả được hết mùi hương, vị nồng quyện của món cá rô đồng rang mặn trong miệng con thuở nào, nhưng có thể chẳng thành… mẹ ơi…
Nguyễn Thị Như Trang