"Tôi ra lệnh hoãn tiêm vaccine AstraZeneca cho tới khi Cơ quan Dược phẩm châu Âu bác mọi nghi ngờ về tình an toàn của nó", Thủ tướng Bulgaria Boyko Borisov cho biết trong thông cáo ngày 12/3.
Bulgaria hoãn tiêm vaccine Covid-19 của AstraZeneca sau khi một số quốc gia dừng sử dụng vì lo ngại tính an toàn của sản phẩm, bao gồm Đan Mạch, Iceland và Na Uy. Italy, Estonia, Latvia, Luxembourg và Litva cũng cấm tiêm một lô vaccine một triệu liều đã được AstraZeneca chuyển tới 17 quốc gia.
Lệnh dừng sử dụng vaccine AstraZeneca được đưa ra sau khi giới chức y tế châu Âu ghi nhận một số người sau tiêm bị thuyên tắc khối tĩnh mạch, thuật ngữ dùng để chỉ tình trạng máu đông hình thành và lấp lòng tĩnh mạch.
Thái Lan hôm nay trở thành nước đầu tiên tại Đông Nam Á hoãn tiêm vaccine AstraZeneca do lo ngại nguy cơ đông máu, nhưng vẫn khẳng định vaccine "có chất lượng tốt".
Tuy nhiên, Canada tuyên bố vaccine AstraZeneca an toàn, còn Pháp cho biết không có lý do gì để dừng tiêm vaccine này như một số quốc gia châu Âu khác. Chính phủ Anh khẳng định vaccine Covid-19 của AstraZeneca "an toàn và hiệu quả".
Một số nước từng bày tỏ lo ngại về vaccine của AstraZeneca. Đức từng chỉ cho phép những người dưới 65 tuổi tiêm vaccine AstraZeneca do nghi ngờ về hiệu quả của nó trước các biến chủng nCoV mới. Quyết định này chỉ được thay đổi hồi tuần trước.
Nam Phi cũng từng dừng triển khai vaccine AstraZeneca do một thử nghiệm cho thấy nó kém hiệu quả hơn trước biến thể nCoV tại nước này.
Vaccine Covid-19 do hãng AstraZeneca hợp tác phát triển với Đại học Oxford đã được phê duyệt sử dụng khẩn cấp hoặc lưu hành trên thị trường tại hơn 50 quốc gia, bao gồm cả Anh và Liên minh châu Âu (EU).
Covid-19 bùng phát hồi tháng 12/2019, xuất hiện tại 219 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 119 triệu ca nhiễm, hơn 2,6 triệu ca tử vong và gần 95 triệu người đã bình phục. Bulgaria là vùng dịch lớn thứ 50 thế giới với gần 273.000 ca nhiễm và hơn 11.000 ca tử vong.
Nguyễn Tiến (Theo Reuters)