Năm 2020, Học viện Kỹ thuật mật mã áp dụng hai phương thức tuyển sinh là dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT và tuyển thẳng.
Những em đạt giải nhất, nhì, ba trong các cuộc thi học sinh giỏi Toán hoặc Tin học cấp quốc gia và tốt nghiệp THPT đủ điều kiện tuyển thẳng. Ngoài ra, thí sinh đã trúng tuyển vào học viện Kỹ thuật mật mã, nhưng được điều động thực hiện nghĩa vụ quân sự, sau khi xuất ngũ cũng được xem xét nhận vào học tại trường theo chuyên ngành trước đây.
Nếu sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT, thí sinh dự thi theo ba tổ hợp gồm: A00 (Toán, Lý, Hóa), A01 (Toán, Lý, tiếng Anh) và D90 (Toán, Khoa học tự nhiên, tiếng Anh).
Năm nay, trường tuyển 720 sinh viên cho ba ngành gồm An toàn thông tin, Công nghệ thông tin và Kỹ thuật điện tử, viễn thông. Chỉ tiêu lần lượt của các ngành là 420, 200 và 100, khi ra trường sinh viên có trình độ kỹ sư. Điểm sàn của trường lấy bằng với ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào năm 2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, được công bố sau.
Năm 2019, điểm chuẩn của Học viện Kỹ thuật mật mã từ 20,75 đến 22,9, tăng hơn 2 điểm so với năm 2018. Công nghệ thông tin có điểm chuẩn cao nhất 22,9, kế đó là An toàn thông tin với 21,5 điểm.
Sau khi thông báo hủy thi riêng, Đại học Hàng hải Việt Nam công bố phương án tuyển sinh 2020, chủ yếu sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT. Trường tuyển 3.200 chỉ tiêu tại 46 chuyên ngành thuộc sáu nhóm là kỹ thuật và công nghệ, ngoại ngữ, kinh tế và luật, chất lượng cao, tiên tiến và chọn.
Năm nay, Đại học Hàng hải Việt Nam mở thêm hai ngành thuộc nhóm chọn là Điều khiển tàu biển và Khai thác máy tàu biển. Trường chấp nhận 12 tổ hợp xét tuyển, gồm: A00 (Toán, Lý, Hóa), A01 (Toán, Lý, tiếng Anh), C01 (Toán, Văn, Lý), D01 (Toán, Văn, tiếng Anh), D07 (Toán, Hóa, tiếng Anh), D10 (Toán, Địa, tiếng Anh), D14 (Văn, Sử, tiếng Anh), D15 (Văn, Địa, tiếng Anh), H01 (Toán, Văn, Vẽ) H02 (Toán, Anh, Vẽ), H03 (Toán, Lý, Vẽ), H04 (Toán, Hóa, Vẽ).
Chi tiết ngành và chỉ tiêu tuyển sinh của Đại học Hàng hải Việt Nam như sau:
Năm 2019, ngành Logistics và chuỗi cung ứng của Đại học Hàng hải Việt Nam có điểm chuẩn dẫn đầu là 22, kế đó là Kinh tế ngoại thương 21,25. Một số ngành có điểm trúng tuyển 14 là Máy tàu thủy, Thiết kế tàu và công trình ngoài khơi...
Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội tuyển 450 chỉ tiêu tại 7 ngành và chuyên ngành, trong đó Thiết kế đồ họa lấy nhiều nhất với 110 chỉ tiêu, kế đó là Thiết kế Nội thất 112 chỉ tiêu. Trường tuyển sinh hai tổ hợp là H00 (Văn, Vẽ, Vẽ) và H07 (Toán, Hình họa, Trang trí).
Năm nay, Đại học Mỹ thuật Công nghiệp áp dụng phương thức tuyển sinh là xét tuyển kết hợp thi tuyển. Trường sẽ xét điểm trung bình năm học kỳ bậc THPT (trừ học kỳ II năm học 2019-2020) của môn Văn hoặc Toán, sau đó tổ chức thi tuyển năng khiếu hai môn Bố cục màu và Hình họa cho thí sinh. Để xét tuyển vào trường, thí sinh bắt buộc tham dự hai bài thi năng khiếu.
Năm ngoái, Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội lấy điểm chuẩn cao nhất là 19,85. Tuy nhiên, trường cũng có ba ngành chỉ lấy 15,5 điểm là Hội họa, Điêu khắc và Gốm.
Thanh Hằng