Trong những người bị kỷ luật, có hai cán bộ thuộc cơ quan huyện gồm: bà Đinh Thị Tô Giang (Phó chánh Thanh tra huyện); bà Nguyễn Thị Hồng Lê (Phó chủ tịch hội Liên hiệp Phụ nữ huyện);
Ba người ở thị trấn Thanh Hà gồm bà Dương Hải Hằng (Phó hiệu trưởng trường THPT thị trấn Thanh Hà); bà Hà Thị Thúy Liễu (Chủ tịch Công đoàn trường THPT Thanh Hà); bà Trần Thị Liên (trường Tiểu học thị trấn Thanh Hà).
Ngoài ra còn có ông Nhữ Văn Dũng (Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Lạc Long); bà Đinh Thị Thu Hà (trường Tiểu học và THCS xã Lạc Long); bà Mai Huệ Tuyết (Đảng bộ thị trấn Chi Nê); bà Quách Thị Thìn (Đảng bộ thị trấn Chi Nê).
Theo ông Bùi Văn Trường, Phó bí thư, Chủ tịch UBND huyện Lạc Thủy, quá trình thẩm tra, những cán bộ trên khẳng định "không tác động, can thiệp nâng điểm thi cho con". Tuy nhiên, họ đã vi phạm quy định về trách nhiệm nêu gương của Trung ương Đảng.
"Sau khi kỷ luật Đảng, trong tháng này huyện sẽ xem xét kỷ luật về mặt chính quyền với những cán bộ trên", ông Trường nói.
Trước đó Hòa Bình kỷ luật 19 đảng viên (15 người thuộc Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh và 4 người thuộc ở huyện Kim Bôi) có con được nâng điểm thi THPT quốc gia 2018. Sơn La và Hà Giang cũng xảy ra gian lận thi cử, nhưng chưa đưa ra thông báo nào về việc này.
Ngày 3/8/2018, Công an tỉnh Hòa Bình khởi tố vụ án Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, để điều tra sai phạm tại Hội đồng thi THPT quốc gia năm 2018 của địa phương. Đến nay, Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) khởi tố bị can, tạm giam 8 cán bộ, giáo viên, trong đó có ông Nguyễn Quang Vinh (Trưởng phòng Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục), bà Diệp Thị Hồng Liên (Phó trưởng phòng).
Theo kết luận điều tra, có 63 thí sinh năm 2018 và một người năm 2017 được nâng từ 0,2 đến 9,25 điểm mỗi môn thi. Ba trường công an đã trả 28 sinh viên Hòa Bình về địa phương. Đại học Sư phạm Hà Nội xóa tên một thủ khoa năm 2018 do chỉ đạt 21,5 điểm, thấp hơn mức trúng tuyển ngành Sư phạm Ngữ văn 2,5 điểm.