Ngày 19/7, bà Hoà - Giám đốc tài chính, Ủy viên HĐQT Saigon Co.op; ông Nguyễn Thành Nhân - nguyên tổng giám đốc, thành viên HĐQT; cùng 4 người khác bị Cơ quan an ninh điều tra Công an TP HCM khởi tố về hành vi Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 360 Bộ Luật hình sự.
Cơ quan điều tra đã phối hợp VKS tống đạt các lệnh, quyết định và tiến hành khám xét nơi ở, nơi làm việc của những người này. Tuy nhiên, 6 bị can này bị bắt tạm giam hay được tại ngoại, chưa được nhà chức trách công bố.
Động thái này được đưa ra trong quá trình mở rộng điều tra vụ án Lạm quyền trong khi thi hành công vụ do ông Diệp Dũng, 54 tuổi, cựu chủ tịch HĐQT, thực hiện tại Saigon Co.op. Vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.
Liên quan đến sai phạm của bà Hồ Mỹ Hòa, hồi tháng 4, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng bà này và ông Quách Cường (Phó bí thư Thường trực Đảng ủy, Ủy viên HĐQT Saigon Co.op) tuy có vi phạm, khuyết điểm đến mức phải xem xét thi hành kỷ luật, nhưng đã thẳng thắn đấu tranh với những việc làm sai trái của Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT; chủ động, kịp thời báo cáo với các cơ quan chức năng.
Trong quá trình kiểm tra, kiểm điểm, hai người này đã cầu thị, nghiêm túc, nhận vi phạm, khuyết điểm, tự nhận hình thức kỷ luật. Vì vậy, Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định không kỷ luật ông Cường và bà Hòa.
Saigon Co.op thành lập năm 1989 theo quyết định của UBND TP HCM, sau đổi tên thành Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP HCM với 20 hợp tác xã thành viên. Doanh nghiệp nhà nước này đã có 34 lần thay đổi Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, 14 lần điều chỉnh, bổ sung điều lệ và 8 lần bổ sung tăng vốn điều lệ. Hiện, Saigon Co.op có hơn 100 siêu thị (Co.opmart) trên cả nước.
Các sai phạm tại Saigon Co.op được Thanh tra TP HCM công bố cuối tháng 7/2020, đồng thời đề nghị UBND thành phố chuyển hồ sơ sang công an để điều tra. Trong đó, sai phạm lớn nhất liên quan việc tăng vốn điều lệ năm 2020 lên gần 6.800 tỷ đồng - bị cho là có dấu hiệu huy động góp vốn trái pháp luật và thâu tóm.
Cụ thể, các hợp tác xã thành viên của Saigon Co.op đạt lợi nhuận 5-6 tỷ đồng nhưng không góp vốn, trong khi nhiều hợp tác xã chỉ đạt lợi nhuận sau thuế 24-500 triệu đồng/năm lại góp hàng trăm tỷ đồng. Thậm chí có đơn vị kinh doanh thua lỗ vẫn góp 247 tỷ.
Các hợp tác xã lợi nhuận ít nhưng góp vốn lớn cho biết đã huy động vốn từ các thành viên bên ngoài và có trường hợp ký hợp đồng hợp tác với các cá nhân ngoài hợp tác xã.
Theo Thanh tra, điều này cho thấy đã có các cá nhân, tổ chức thông qua hợp tác xã thành viên để tham gia đầu tư vốn vào Saigon Co.op. Nếu không làm rõ được nguồn vốn tăng lên, Saigon Co.op sẽ bị chi phối bởi các tổ chức, cá nhân bên ngoài và không giữ được nguyên tắc tổ chức, hoạt động. Các sai phạm tại Saigon Co.op thuộc về HĐQT, Thành viên liên hiệp, Ban Tổng giám đốc, các phòng ban chức năng và cá nhân có liên quan tại Saigon Co.op qua các thời kỳ.
Ngoài ông Diệp Dũng bị bắt, hồi đầu tháng 7, ông Võ Thành Trung - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Đô Thị Mới; Tôn Thất Hào - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Địa ốc Đại Á, cũng bị bắt tạm giam.
Trước đó, quá trình làm việc với cơ quan chức năng về các sai phạm tại Saigon Co.op, ông Diệp Dũng có hành vi Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước rồi bị TAND TP HCM tuyên phạt 2 năm tù theo Điều 337 Bộ luật Hình sự.
Quốc Thắng