Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cho biết gần đây viện tiếp nhận khoảng 80-120 trẻ đến khám mỗi ngày, tăng gấp đôi so với đầu tháng. Đa số trẻ đến khám mắc bệnh nhẹ, có thể về theo dõi tại nhà, khoảng 10-15 ca nặng phải nhập viện.
Trong khi đó, Bệnh viện Nhi đồng 2, tuần qua ghi nhận 879 ca khám ngoại trú, tăng gấp nhiều lần so với cùng thời điểm này tháng trước. Hầu hết bệnh nhi nhập viện trong tình trạng sốt nhiều ngày liên tục, kèm theo các mụn nước nổi đỏ ở tay, chân, thậm chí vết loét ở họng làm cản trở việc ăn uống. Trong số 69 ca hồi phục xuất viện tuần qua, có ba trường hợp rất nặng.
Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, bác sĩ Trương Hữu Khanh, cho biết hiện số trẻ nhập viện tại Khoa Nhiễm - Thần kinh đang tăng dần, trong khi cách đây hơn hai tháng không có trường hợp nào.
Theo HCDC, số ca bệnh tay chân miệng tiếp tục tăng cao ở hầu hết các quận huyện. Trong đó, xã Bình Hưng (Bình Chánh), phường An Lạc (Bình Tân), thị trấn Nhà Bè, phường 11 (Tân Bình)... có số nhiễm tăng cao so với trung bình tháng trước.
5 tháng đầu năm, thành phố ghi nhận gần 3.700 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng với 96% trẻ bệnh ở độ tuổi 1-5. Số ca tăng ở cả trường hợp nhập viện điều trị nội trú và khám ngoại trú.
Đợt dịch tay chân miệng gần nhất tại TP HCM xảy ra năm 2020 với hơn 16.000 ca, không ghi nhận trường hợp tử vong, chủ yếu xảy ra ở trẻ trong độ tuổi đi học.
Tay chân miệng là bệnh nhiễm virus cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn. Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông. Hầu hết các ca bệnh đều diễn biến nhẹ. Tuy nhiên, ở một số trường hợp, bệnh có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm có thể dẫn đến tử vong nên cần được phát hiện sớm, điều trị kịp thời.
Để chủ động phòng chống bệnh tay chân miệng, HCDC khuyến cáo người chăm sóc trẻ và trẻ rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày. Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống, ăn chín, uống chín, vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng. Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám bệnh. Bệnh tay chân miệng chưa có vaccine phòng ngừa. Nguồn lây chính của tay chân miệng từ nước bọt, phỏng nước và phân của trẻ bệnh. Bệnh thường gặp ở trẻ tuổi mẫu giáo vì trẻ có thói quen cho tay vào miệng.
Lê Phương