Mấy hôm nay dư luận xôn xao trước thông tin Nợ thẻ tín dụng gần 9 triệu thành nợ xấu hơn 8,8 tỷ đồng.
Tôi cũng nhớ mình có một tấm thẻ tín dụng, do người bạn làm trong ngân hàng nhờ làm để chạy KPI cách đây vài năm, mỗi năm tôi đóng gần 500 nghìn tiền phí. Một năm, tôi chỉ quẹt thẻ vài lần.
Vì sao ít dùng nhưng tôi vẫn duy trì thẻ? Vì tôi thấy một năm tốn vài trăm nghìn nhưng lại có được "chỗ mượn tiền" vài chục triệu đồng sẵn có để phòng rủi ro không phải là quá phí phạm.
Có những lúc có việc đột xuất phải chi trả 10-20 triệu đồng, nhưng kẹt tiền vì lương thì tuần sau mới có, lại không nỡ xé lẻ sổ tiết kiệm online, vay người thân thì ngại, vay bạn bè thì chắc gì họ đã cho, vay nóng bên ngoài thì lãi suất chóng mặt... thì chúng ta mới thấy được sự hữu ích khi có thẻ tín dụng.
Bạn tôi từng chia sẻ rằng không thể xoay gấp một khoản tiền mấy chục triệu để đóng tạm ứng viện phí cho người nhà nên quẹt thẻ tín dụng trước, sau đó mới có thời gian đi xoay tiền.
Quay lại vấn đề nợ tín dụng hơn 8 triệu, sau 11 năm thành khoản nợ 8,8 tỷ đồng, tôi nghĩ đây là trường hợp cá biệt, ngọn nguồn và cách giải quyết sẽ được sắp xếp ổn thỏa và minh bạch mà thôi. Tôi cũng thấy nhiều người có tâm lý nhân cơ hội này rồi đổ lỗi cho cái thẻ tín dụng, nào là bẫy nợ, thẻ tín dụng làm chi tiêu không kiểm soát... Nhưng tự thân cái thẻ ép chúng ta mua hàng, chốt đơn chăng?
Nhắc tới thẻ tín dụng, bản chất đã nằm trong tên gọi. Tín - là điều quan trọng nhất, cần phải nằm lòng nếu không muốn bị sập bẫy nợ. Ngân hàng cấp cho một khoản tiền xài trước trả sau - thì việc của người tiêu dùng là phải ghi nhớ ngày trả nợ và tiêu xài có trách nhiệm.
Mỗi lần quẹt thẻ, hay mua trả góp món đồ nào đó, do không muốn dùng một lần tiền mặt sẵn có, tôi đều tạo nhắc nhở ngày sao kê trả tiền trên ứng dụng điện thoại. Huống hồ, ngân hàng đều gửi nhắc nhở qua email, tin nhắn sms.
Thẻ tín dụng chỉ là một công cụ, còn xấu hay tốt là do người dùng. Và bài học tài chính cá nhân là do mỗi người phải tự học: có nguồn thu ổn định hàng tháng để trả nợ sao kê, đến ngày là trả ngay kẻo quên, mua sắm có kế hoạch...
Nguyễn Đức Tấn
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.